CÔNG AN BẠC LIÊU
Bài 3: Sự hy sinh thầm lặng
Cập nhật ngày: 2-01-2019
Chỗ nguy hiểm nhất, khó khăn nhất, những người lính ấy phải xông vào. Nơi lửa cháy rừng rực, nơi mà tính mạng con người trở nên mong manh hơn bao giờ hết lại là nơi họ phải chiến đấu, giành giật sự sống, bảo toàn tài sản cho nhân dân. Thế nên, trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, có những người lính đã hy sinh, có người để lại thương tật suốt đời.

Hình tượng trong lòng dân
 

Thiếu uý Bùi Minh Quý là cái tên được nhắc đến nhiều lần trong năm 2018. Không chỉ người thân, đồng đội của anh mà nhiều người dân ở Gia Lai còn nhớ mãi hình ảnh người chiến sỹ dũng cảm vật lộn với cơn lũ dữ. Ngày 3-3-2018, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực An Khê, Công an tỉnh Gia Lai nhận tin báo có một xe ôtô chở mía bị kẹt tại đập tràn qua Nhà máy Đường An Khê (thuộc thị xã An Khê). 
 

Xe bị chết máy, tài xế bị kẹt trong cabin, trong khi đó lũ đang tràn về càng lúc càng dâng cao, tính mạng tài xế đang bị nguy hiểm. Trước tình thế cấp bách, một tiểu đội cứu nạn cứu hộ nhanh chóng đến hiện trường. Thiếu uý Bùi Minh Quý làm Tiểu đội trưởng chỉ huy. Quý mới 25 tuổi, khoẻ và bơi giỏi. Sau khi trang bị dây, phao cứu hộ, anh bơi ra giữa dòng nước để tiếp cận người tài xế và chiếc xe mắc kẹt. Thế nhưng, nước lũ đổ về quá nhanh, chảy xiết. 
 

Khi đến gần chiếc xe, anh bị dòng nước mạnh đập vào thành xe khiến anh bị choáng và lũ cuốn đi. Đồng đội cố kéo sợi dây buộc vào người anh, nhưng dây bị mắc vào đá. Do nước lũ quá mạnh, nếu thêm một người xuống nước sẽ có nguy cơ thêm một người bị nạn. Sức trẻ không chống chọi được sự hung dữ của dòng nước. Thiếu uý Bùi Minh Quý đã hy sinh.
 

Ngày 7-9, một vụ cháy xảy ra trong đêm khuya ở một nhà dân tại phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Bên trong nhiều vật liệu dễ cháy, lửa đã lan rộng. Thượng uý Phạm Phi Long cùng đồng đội ở Đội chữa cháy chuyên nghiệp khu vực 2 (Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân) dùng thang đi lên phía cửa sổ lầu 1 của ngôi nhà để tiếp cận khu vực cháy, cứu người. 
 

Trong lúc triển khai chữa cháy và tìm người bị nạn, trần nhà bất ngờ đổ sập xuống, đè lên Thượng uý Phạm Phi Long và hai chiến sỹ khác là Hạ sỹ Phạm Tấn Quốc 24 tuổi và Bùi Văn Dũng 20 tuổi. Thượng uý Phạm Phi Long đã hy sinh ngay tại hiện trường vụ cháy, 2 đồng đội anh bị thương nặng.
 

Vụ cháy kinh hoàng xảy ra ở chung cư Carina tháng 3-2018, người ta thấy hình ảnh những người lính cứu nạn cứu hộ xông pha như những chiến sỹ cảm tử. Họ mò mẫm trên những hành lang tối om, đầy khói, gõ cửa từng nhà để tìm người. Họ cõng trên lưng những nạn nhân mệt lả, ngất xỉu vì hít khói độc, họ leo lên những tầng nhà, dùng dây, dùng xe thang đưa người xuống đất… 
 

Hình ảnh những chiến sỹ mặt mũi đen kịt vì bám khói, bàn tay tuột da vì bỏng, vì sức nóng, quả cảm xông vào chốn hiểm nguy đã trở thành hình tượng người chiến sỹ Cảnh sát PCCC & CNCH trong lòng nhân dân.Trênmạng xã hội, có người đã bình luận thốt lên rằng: “Tôi đã thấy bóng dáng của người lính Phạm Phi Long đã qua đời trong vụ cháy chung cư Carina…”.
 

Công việc cứu nạn, cứu hộ vô cùng vất vả và nguy hiểm.


Hy sinh vì bình yên cuộc sống
 

Những chiến sỹ ra đi khi tuổi đời còn trẻ, bao dự tính ở phía trước bỗng chốc dừng lại. Sự hi sinh của họ để lại nỗi xót xa, đau đớn cho người thân, sự tiếc thương của đồng đội. Tôi nhớ người phụ nữ nhỏ bé ấy, bà là mẹ của liệt sỹ Bùi Minh Quý. Tôi bị ám ảnh bởi vẻ bề ngoài kiên cường, nghị lực của bà nhưng cất giữ nỗi đau đớn, sự mềm yếu ở sâu thẳm bên trong khi mất đứa con duy nhất trong một lần cứu nạn.
 

Ngày chúng tôi đón mẹ liệt sỹ Bùi Minh Quý lên dự chương trình nghệ thuật “Âm vang chiến công” trong dịp kỷ niệm thành lập lực lượng CAND, mẹ của liệt sỹ Bùi Minh Quý không rơi nước mắt. Bà luôn mỉm cười, trang điểm đẹp trước giờ lên sân khấu nhận vinh dự từ con trai. 
 

Bữa cơm cùng CBCS Báo CAND, bà lấy thêm một cái bát, một đôi đũa và một chiếc ghế đặt bên mình. Bà không khóc nhưng đã làm người khác khóc vì cái cách cố cất nỗi đau khôn nguôi của người mẹ. 
 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm xúc động bắt tay bà thật chặt, ông quyết định trích từ Quỹ nghĩa tình đồng đội tặng gia đình liệt sỹ Quý 100 triệu đồng ngay trong chương trình. Chúng tôi biết, chẳng ai có thể mang đứa con thân yêu trở về với bà được nữa, nhưng đó là sự chia sẻ nỗi đau, là nghĩa tình của đồng đội, của người thủ trưởng trước hi sinh của liệt sỹ Bùi Minh Quý.
 

Cũng là tột cùng của sự đau đớn mất người thân, vợ liệt sỹ Phạm Phi Long tưởng chừng không thể vượt qua nỗi đau này. Anh ra đi để lại cậu con trai 2 tuổi và người vợ mang thai sắp đến ngày sinh. Đau đớn, xót xa nhưng chị tự hào rằng, anh đã chọn nghề và anh đã có một cuộc đời đầy ý nghĩa vì sự bình yên cho nhân dân.
 

Trong lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, nhiều người là thương binh khi đang ở độ tuổi 20. Chiến sỹ Nguyễn Văn Quang ở Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội bị thương khi chữa cháy, cứu tài sản tại cụm làng nghề Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội vào tháng 10-2015. Dồn hết sức lực vào chữa cháy, ngay khi bị ngã vào thứ nước nóng bỏng chảy ra từ vụ cháy, anh cũng không thể ngờ nó lại gây hậu quả lớn đến vậy. Trải quả nhiều lần phẫu thuật, giờ trên người anh vẫn còn nhiều vết sẹo, ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động của bàn tay.
 

Vụ cháy tại quán Zone 9 trên phố Trần Thánh Tông, Hà Nội là vụ cháy lớn, thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản, khiến 6 người tử vong. Chiến sỹ Cao Như Long của Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm lúc đó là một trong những chiến sỹ cứu hộ đầu tiên vào hiện trường tìm người bị nạn. Căn phòng bao trùm khói độc, anh khom lưng, sờ soạng tìm người. Khi tìm được người bị nạn thì cũng là lúc bình dưỡng khí hết oxy. Đưa được người ra ngoài, anh ngất xỉu trên tay đồng đội.
 

Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hà Nội: Nghề chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là nghề vô cùng nguy hiểm, đã tham gia là xác định nguy cơ bị thương tật, rủi ro. Thế nhưng, các cán bộ, chiến sỹ không quản ngại khó khăn, sẵn sàng xông pha nơi nguy hiểm nhất để cứu người, cứu tài sản cho nhân dân. Năm 2018, tại Hà Nội, chúng tôi đã tiếp nhận 173 tin yêu cầu CNCH, trong đó có 15 vụ CNCH trong đám cháy; 1 vụ CNCH trong vụ nổ; 41 vụ CNCH mắc kẹt trong thang máy, trên tầng cao; 22 vụ đuối nước; 40 vụ tai nạn giao thông; 19 vụ cứu người có ý định tự tử; 7 vụ sập đổ công trình… Trực tiếp tổ chức CNCH 118 vụ, cứu được 143 người, tìm được 31 thi thể.

Nguồn cand.com.vn
Các tin khác