CÔNG AN BẠC LIÊU
Lòng quả cảm của những người lính áo vàng trên sông
Cập nhật ngày: 3-12-2018
Giữa sông nước mênh mông, sự an toàn của con người càng trở nên mong manh, chỉ một chút sơ sẩy có thể phải trả giá bằng cả mạng sống. Và, trong lúc gian nguy nhất đã có biết bao người dân được bảo toàn tính mạng nhờ sự cứu giúp kịp thời của những chiến sỹ Cảnh sát đường thủy Công an TP Hải Phòng.

Những phút giây sinh tử nơi trùng khơi
 

Đã qua nhiều ngày từ khi thoát nạn trở về nhưng đến bây giờ bà Nguyễn Thị Đậm (60 tuổi, ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên) vẫn như vừa mới được... sống lại. Bà Đậm kể hôm đó, vào giữa ngày đông giá rét, bà đang chèo thuyền bán hàng rong ở khu vực cửa sông Bạch Đằng thì bất ngờ một chiếc tàu nước ngoài có trọng tải lên đến hàng nghìn tấn lao đến. Con tàu sừng sững to bằng cả ngôi nhà 10 tầng đi qua để lại những vệt sóng khiến chiếc thuyền nan của bà Đậm tròng trành một lúc rồi lật úp...
 

Nhận được tin báo của người dân, ngay lập tức phân đội 1 (Phòng Cảnh sát đường thủy - Công an TP Hải Phòng) điều động 2 xuồng máy cùng cán bộ chiến sỹ tức tốc đến hiện trường. Sau khi xác định được vị trí người bị nạn, tổ công tác đã triển khai phương tiện, thiết bị cứu nạn đưa được nạn nhân lên bờ đi cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Do tuổi cao sức yếu, lại bị rơi xuống nước trong khoảng thời gian dài nên sức khỏe của bà Đậm không thể hồi phục được ngay, phải tiếp tục điều trị nhiều ngày nữa mới được ra viện.

Các chiến sĩ CSGT đường thủy Công an thành phố Hải Phòng hướng dẫn người dân sử dụng phao cứu sinh.

Cũng mới từ... cõi chết trở về, đến bây giờ cả 5 người trong gia đình anh Nguyễn Văn Vĩnh (36 tuổi, ở xóm 7, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại chuyện cũ. Có lẽ chỉ chậm chút thôi, nếu xuồng của cảnh sát đường thủy không đến kịp thời thì tính mạng của những người trong gia đình anh lúc đó không ai dám chắc sẽ được bảo toàn.
 

Anh Vĩnh nhớ lại, hôm đó vào lúc nửa đêm nước chảy rất xiết, chiếc thuyền gỗ vừa là phương tiện đánh bắt cá, vừa là nơi sinh sống của gia đình đang chạy đến đoạn trước thủy diện cẩu 10, Cảng Hải Phòng (thuộc địa phận xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên) thì bất ngờ lật úp do sóng tàu ngược chiều. Trong đêm tối mịt mùng, vợ chồng anh Vĩnh và 3 đứa con, trong đó đứa lớn nhất mới 13 tuổi, còn đứa nhỏ mới 5 tuổi, ôm lấy nhau chơi vơi vật lộn với sóng nước.
 

Mặc dù là dân sông nước nhưng giữa đêm tối kèm theo sóng to gió lớn, hơn nữa còn phải hỗ trợ cho vợ và 3 đứa con nên anh Vĩnh cũng chỉ vùng vẫy được một lúc thì đuối sức... Giữa âm thanh của động cơ tàu thủy ra vào cảng cùng sóng gió, tiếng kêu cứu của những người trong gia đình anh Vĩnh lọt thỏm trong đêm tối...
 

Đúng lúc gia đình anh Vĩnh cảm thấy tuyệt vọng thì bất ngờ nghe thấy tiếng xuồng máy đang tiến đến gần. Dồn hết sức lực còn lại, anh Vĩnh rướn người lên khỏi mặt nước kêu một tiếng thật to để báo hiệu vị trí mình bị nạn cho những người tìm kiếm được biết... Và, cho đến một lúc sau, khi tỉnh lại anh Vĩnh mới biết mình còn sống. Nhìn sang bên cạnh thấy vợ và 3 đứa con đang co ro vì còn chưa hết sợ hãi.
 

Lúc này anh Vĩnh mới được nghe kể lại lúc cả gia đình anh đang chơi vơi chuẩn bị chìm thì lực lượng cảnh sát đường thủy của phân đội 2, thủy đội (Phòng Cảnh sát đường thủy) có mặt kịp thời cứu vớt. Sau khi giúp đỡ gia đình anh Vĩnh thoát nạn, lực lượng công an còn đưa mọi người về trụ sở cung cấp áo ấm, ổn định tâm lý, nhất là đối với các cháu nhỏ.
 

Anh Vĩnh cảm động cho biết: “Khi đối mặt với cái chết mới thấy giá trị của sự sống như thế nào. Cả gia đình tôi như được sinh ra lần thứ 2. Ơn này của những cán bộ chiến sỹ công an chúng tôi không bao giờ quên được”.
 

CSGT đường thủy Công an thành phố Hải Phòng kịp thời cứu người bị nạn.

Trên khu vực sông Cấm, nơi mật độ phương tiện qua lại dày đặc, bà con ngư dân sinh sống tại đây thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy. Cũng cách đây không lâu tại khu vực bến cá Máy Chai (phường Máy Chai, quận Ngô Quyền) một thuyền sắt chèo tay cũng bất ngờ bị sóng tàu hất chìm xuống sông. Khi mà cả 4 người trên thuyền ôm chặt lấy nhau đang chìm dần thì tổ công tác của phân đội 2 kịp thời có mặt. Do các nạn nhân đều rất yếu, không còn đủ sức để bám vào phao bơi và dây nên những người tham gia cứu nạn đã bất chấp hiểm nguy sóng to, gió lớn, trực tiếp nhảy xuống sông cứu vớt.
 

Để đảm bảo an toàn, tránh việc người bị nạn do hoảng loạn sẽ kéo người cứu nạn chìm theo, lực lượng công an đã cử những cán bộ, chiến sỹ không chỉ có kỹ thuật bơi, lặn mà còn phải có kinh nghiệm tiếp cận đưa từng người lên xuồng một cách an toàn...
 

Giữa sông nước mênh mông, sự an toàn của con người càng trở nên mong manh, bất cứ phương tiện nào, chỉ cần một chút sơ sẩy là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Thủy đội trưởng - Trung tá Nguyễn Trường Huy nhớ lại vào đầu năm 2016, đúng nửa đêm, trong khi đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại khu vực Ba Lăng (huyện Cát Hải) thì nhận được tin báo có một phương tiện thủy gặp nạn. Tổ công tác kịp thời có mặt và xác định phương tiện là con tàu mang số hiệu HP 3925, trọng tải 450 tấn, chở than bùn từ Quảng Ninh về Hải Phòng bị lật nghiêng, sau đó chìm đắm trên luồng hàng hải.
 

Giữa đêm tối mịt mùng kèm theo gió rét như cắt da cắt thịt, do tàu lật úp bất ngờ nên cả 4 thuyền viên không kịp mang theo bất cứ dụng cụ cứu sinh nào chới với giữa dòng nước xiết. Có thuyền viên đã kiệt sức do phải chống chọi với sóng gió nên chỉ còn biết cách thả trôi trên biển chờ người đến cứu giúp.
 

Khi tiếp cận hiện trường, lực lượng công an đầu tiên xác định phải nhanh chóng cứu vớt đảm bảo tính mạng cho nạn nhân. Tuy nhiên, sóng nước đầy hiểm nguy, việc cứu người phải khẩn trương nhưng cũng đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ. Bằng kinh nghiệm thực tế, tổ công tác sau khi quan sát nhanh đã xác định vị trí vòng xoáy để tránh xa, rồi mới tiếp cận từng nạn nhân tung dây và phao cứu sinh cứu thành công cả 4 người. Sau khi cứu vớt các nạn nhân, tổ công tác đưa họ về đơn vị, cung cấp áo ấm, động viên tinh thần và liên lạc bàn giao cho gia đình.
 

Giành lại sự sống cho nhiều người
 

Trạm Cảnh sát giao thông đường thủy An Dương nằm ngay dưới chân cầu An Đồng, cán bộ chiến sỹ của Trạm vẫn thường hay nói vui ngoài công tác công an thì còn thêm nhiệm vụ... cứu người tự tử. Thực tế cho thấy số lượng người vì nhiều lí do dẫn đến quẫn bách muốn tự kết thúc cuộc đời mỗi năm có đến cả chục vụ. Trong khi đó địa bàn quản lý của Trạm cảnh sát giao thông đường thủy An Dương có cầu Bính, cầu An Dương và cầu An Đồng hằng năm thường xảy ra các vụ tự tử.
 

Có những vụ việc nạn nhân nhảy ào xuống sông mất tích thì lực lượng công an đường thủy có nhiệm vụ nhanh chóng triển khai lực lượng tìm kiếm. Thế nhưng, có những người trước khi tìm đến cái chết còn ngồi lại bên thành cầu trăng trối dăm câu ba điều...

 

CSGT đường thủy Công an thành phố Hải Phòng cứu người bị nạn giữa dòng nước xiết.

Trung tá Phạm Quang Thành, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy An Dương cho biết, các anh đã từng thuyết phục được nhiều trường hợp từ bỏ ý định nhảy cầu tự tử. Trong tình huống này, những cán bộ công an chuyển vai thành những chuyên gia... tâm lý, mang điều hơn, lẽ phải để thuyết phục lòng người. Thế nhưng, cũng không ít trường hợp ngồi vắt vẻo trên thành cầu, chỉ chờ có một ai đó nói câu gì là lập tức nhảy xuống sông.
 

Theo đó mà trong các vụ việc được phát hiện, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đều phải sẵn sàng phương án sử dụng phương tiện xuồng máy trực sẵn dưới chân cầu để ứng cứu. Kể cả khi tiếp cận nạn nhân đã nhảy xuống sông, lực lượng công an cũng phải tính toán như thế nào để đảm bảo cứu được người nhưng cũng giữ an toàn cho cứu hộ. Bởi lẽ những người đã tự tìm đến cái chết thì họ sẽ có những phản ứng quyết liệt...

Một trường hợp bị nạn trên sông được cứu vớt kịp thời và đưa đi cấp cứu.

Mới đây, là trường hợp nữ sinh N.T.V.O. (20 tuổi, quê ở TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) chỉ vì người yêu phản bội, đã bỏ nhà ra cầu An Đồng gieo mình xuống sông. Phát hiện sự việc, một tổ công tác của Trạm cảnh sát đường thủy An Dương đã nhanh chóng sử dụng xuồng máy ra cứu vớt.
 

Tuy nhiên, khi thấy người tiếp cận, nạn nhân đã vùng vẫy tìm mọi cách thoát khỏi lực lượng cứu nạn. Kể cả cho đến khi được đưa lên bờ, cô nữ sinh thất tình này vẫn lao ra như quyết tâm tìm đến cái chết. Cán bộ chiến sỹ công an lúc này lại phải chuyển vai thành những chuyên gia tâm lý để thuyết phục, động viên.
 

Trước đó, khi phát hiện anh Vũ Văn H. (33 tuổi, ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) vì buồn chuyện gia đình cũng tìm ra cầu An Dương tự tử. Trong lúc nạn nhân chuẩn bị chìm xuống dòng nước xiết, tổ công tác của Trạm cảnh sát đường thủy An Dương đã kịp thời có mặt.
 

Sau khi đưa về trụ sở của Trạm, sau nhiều giờ nhận được sự quan tâm cũng như chia sẻ, động viên của lực lượng công an, cuối cùng nạn nhân mới đồng ý khai địa chỉ để thông báo cho gia đình đến đưa về chăm sóc...
 

Có thể nói, sông nước luôn tiềm ẩn những hiểm nguy, nhất là đối với những người hằng ngày mưu sinh trên sông nước. Thế nhưng, trong những giây phút hoạn nạn, khó khăn ấy họ luôn nhận được giúp đỡ của lực lượng cảnh sát đường thủy Công an TP Hải Phòng, kịp thời bảo toàn tính mạng và tài sản.
 

Và cũng chính từ những nghĩa tình ấy, mối quan hệ trở nên gắn bó hơn, bà con ngư dân sẵn sàng giúp đỡ lực lượng công an đường thủy đảm bảo công tác giữ gìn TTATGT cũng như  đấu tranh với các loại tội phạm trên sông nước.

Nguồn cand.com.vn

Các tin khác