CÔNG AN BẠC LIÊU
Chuyện chưa kể về "ông già Biển Hồ"
Cập nhật ngày: 8-10-2018
Đã từ lâu người dân sống quanh khu vực Biển Hồ, phố núi Pleiku chẳng ai còn nhớ đến cái tên thật của ông lão nữa. Những người tìm đến ông cũng chỉ biết đến cái biệt danh "ông già Biển Hồ". Ít ai biết rằng trước khi làm việc vớt xác, cứu người, tên của ông lão đã được đặt cho một ngọn núi...

Sống đời thanh bạch
 

Chúng tôi đến thăm nhà của "ông già Biển Hồ", đích danh là Quách Trọng Hoan (77 tuổi, xã Biển Hồ, TP Pleiku, Gia Lai) vào một chiều mưa nặng hạt. Không khó lắm để tìm đến căn nhà nhỏ của người đàn ông dành hơn một phần tư đời người làm cái nghề "trần gian có một". Dưới màn mưa, căn nhà của ông nằm nép mình sau những khóm trúc thẳng tắp trông thơ mộng như trong bộ phim võ hiệp.
 

Vừa bước vào đến cổng, hình ảnh đầu tiên hiện lên trước mắt chúng tôi là một ông già với râu tóc bạc phơ đang ngồi đốt vàng mã. Nghe thấy tiếng người lạ, ông Hoan giật mình ngẩng mặt lên chào. Vừa dẫn khách vào nhà ông vội vàng chạy xuống bếp lúi húi nhóm lửa nấu nước và để chúng tôi tự do tham quan.
 

Bên chén nước trà nghi ngút khói, ông Hoan nhớ lại cuộc đời mình. Như bao đứa trẻ khác ở làng Liêm Trung (xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), ông Hoan sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khổ. Năm lên 9, ông Hoan đang chăn trâu bên bờ con sông Hoàng Long. 
 

Cùng lúc này con đò chở lúa ngang sông bất ngờ bị đắm. Chẳng do dự, ông liền nhảy xuống nước cứu được hai mạng người đang chơi vơi giữa dòng nước lớn. Cũng bắt đầu từ đó, ông Hoan nổi tiếng về lòng dũng cảm và khả năng bơi lội.
 

Ông Quách Trọng Hoan được người dân yêu mến đặt cho cái tên thân mật “Ông già Biển Hồ”.

Thời gian cứ thế trôi qua, cậu bé Hoan ngày nào dần lớn lên bên sông Hoàng Long êm đềm chảy. Năm 1965, như bao trai làng khác đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, Hoan lên đường chiến đấu. Sau thời gian huấn luyện, Hoan theo đơn vị lên vùng Tà Khống (Lào) đóng quân.
 

Đến năm 1968, trên đường tiến quân về TP. Pleiku, đơn vị của ông Hoan trúng phục kích của địch. Ông bị thương nặng và được 2 bộ đội địa phương cõng rút chạy. Khi đi đến bức tượng Phật ở Biển Hồ, ông đề nghị đồng đội thả mình xuống. Ông Hoan quỳ trước tượng Phật thề, nếu còn sống trở về sau ngày đất nước thống nhất, ông sẽ quay về Biển Hồ làm việc thiện.
 

Sau đó ông Hoan ngất đi, đến khi tỉnh dậy đã thấy mình đang được chữa trị trong một Bệnh xá Quân y. Lúc bấy giờ tình hình chiến sự cực kì cam go nên ông Hoan được chuyển ra miền Bắc điều trị. Khi bình phục, ông được cử đi học tại trường Đoàn của tỉnh Hà Nam Ninh, rồi đi học Đại học Kinh tế kế hoạch. 
 

Khi ông Hoan ra trường cũng là lúc chiến tranh kết thúc, ông trở về quê lấy vợ. Nhớ lời thề ngày nào, năm 1978 ông Hoan dẫn gia đình vào mảnh đất Gia Lai làm kinh tế mới. Lúc này, ông được giao nhiệm vụ làm cán bộ định canh, định cư ở các bản làng. Cũng từ đây ông bắt đầu một nhiệm vụ mới đầy cam go, thử thách…
 

“Ông già Biển Hồ” bên đền Vạn Linh.

"Núi ông Hoan"
 

Công cuộc xây dựng đất nước sau ngày giải phóng ở Tây Nguyên lúc bấy giờ đang rất khó khăn. Các thế lực thù địch, đặc biệt là tổ chức phản động Fulro luôn tìm cách kích động người dân tộc thiểu số gây rối, phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân. 
 

Với bản chất của người lính cụ Hồ, ông Hoan xung phong vào các huyện Ia Grai và Chư Pah (Gia Lai) tham gia chống Fulro cùng Công an địa phương. Ông đóng vai người dân, lên ngọn núi ở làng Bàng (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) khai phá nương rẫy. 
 

Để tìm ra tung tích kẻ cầm đầu tổ chức phản động, ông Hoan luôn tìm cách tiếp cận với người dân bản địa. Khi thì thăm hỏi những gia đình có người đau ốm, khi thì tổ chức uống rượu chung vui với người dân tộc thiểu số trong làng... 
 

Thế rồi, sau một thời gian ngắn, nhờ tai mắt của nhân dân, ông cùng lực lượng chức năng xác định nơi ẩn náu của Rơ Châm Loăk - kẻ cầm đầu Fulro ở Tây Nguyên bấy giờ. Sau đó, nhờ uy tín với dân làng, ông Hoan đã thuyết phục vợ của Loăk đưa chồng mình đến cơ quan Công an. 
 

Dần dần các thành viên Fulro ở Tây Nguyên cũng ra đầu thú xin khoan hồng. Sau đó, Loăk đi học tập cải tạo rồi trở về đoàn tụ gia đình, chăm lo làm ăn và trở thành một tỷ phú từ canh tác cà phê.
 

Dân làng cũng đặt tên ngọn núi nơi ông Hoan từng làm nương rẫy để truy lùng Fulro là núi Chư Hoan, theo tiếng Jarai có nghĩa là núi ông Hoan.
 

Ít ai biết rằng tên của ông Hoan đã từng được đặt cho một ngọn núi.

"Ai cần, gọi tôi"
 

Thời gian đầu, ông Hoan phải mượn đất của người khác dựng một chòi nhỏ để có chỗ chui ra chui vào bên hồ. Đến năm 1991, khi mua được mảnh đất ở mép Biển Hồ, ông Hoan mới có một ngôi nhà thật sự. Dù cho vợ con đã cố gắng nài nỉ thế nào ông cũng không trở về phố phường, bên gia đình đầm ấm. Ngày lại ngày, ông Hoan lặng lẽ thu gom rác và xác các động vật chết, trôi nổi trên mặt hồ để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân và cứu người gặp nạn.
 

Dù Biển Hồ có diện tích mặt nước 250ha nhưng ông thuộc như trong lòng bàn tay nơi nào nước sâu, chỗ nào vực thẳm, đá nhọn. Để thuận lợi cho việc cứu người, ông Hoan ghi số điện thoại của mình kèm dòng chữ "Ai cần, gọi tôi" lên cánh của nhà. Khi nhận được tin có người tìm cách quyên sinh hay tai nạn đuối nước ở Biển Hồ là ông tức tốc chạy bộ hoặc chèo thuyền đi cứu người.
 

Đến nay, ông đã cứu sống 7 người không may bị đuối nước, vớt gần 84 thi thể người xấu số chết đuối. Ông được bà con nơi đây quý mến và gọi ông bằng cái tên thân mật ơi IaNuêng, theo tiếng Jarai  nghĩa là "ông già Biển Hồ".
 

Ông Hoan vinh dự được nhận giải thưởng Kova.

Nhấp ngụm nước trà, ông Hoan tâm sự: Ông cứu người để làm việc thiện theo đúng như lời thề ngày trước chứ cũng chẳng mong được đền đáp gì cả. Những người được ông cứu sống, có người quay lại cảm ơn nhưng cũng có người đi mãi chẳng bao giờ quay về cả. Ông xem đó là chuyện bình thường, đã làm việc thiện là không cần báo đáp.
 

Ông Hoan dừng lại một lát rồi kể tiếp, cách đây hơn 10 năm, vụ đắm thuyền trên Biển Hồ làm chết 7 em học sinh đang học lớp 11 khiến ông day dứt nhất. Ngày hôm ấy có lũ trẻ đến Biển Hồ đi dã ngoại, các cháu thuê 1 chiếc xuồng để chèo ra giữa hồ tham quan. Khi biết các cháu có ý định chèo xuồng ra hồ, ông Hoan tìm cách ngăn cản, xua đuổi chúng lên bờ. Nhưng mọi cố gắng của ông Hoan như bắt nhái bỏ đĩa, những đứa trẻ lại tìm cách để đi.
 

Ông Hoan quay về nhà vì có việc bận. Nhưng chỉ khoảng 30 phút sau ông nghe tiếng kêu cứu nên mới chạy vội ra thì chiếc xuồng và lũ trẻ đã chìm nghỉm. Ông Hoan quặn lòng khi lặn tìm thi thể từng đứa trẻ. Sau khi đã vớt được các cháu lên bờ, ông Hoan thấy lòng mình day dứt không yên.
 

Sau một đêm thức trắng, ông quyết định xây đền Vạn Linh ở góc vườn dưới bóng cây đa cổ thụ sát Biển Hồ để làm nơi thờ cúng cho những đứa trẻ tử nạn sau vụ chìm xuồng mong được siêu thoát.
 

 "Bây giờ ông đã già rồi, sức không còn khỏe như thanh niên để lặn, để bơi cứu, vớt người bị nạn nữa. Bây giờ ông chỉ ngày ngày tụng kinh niệm Phật, mong rằng mọi người đừng suy nghĩ tiêu cực mà tìm cách quyên sinh" - ông Hoan chia sẻ với chúng tôi.
 

Hiện tại, các con ông giờ đã yên bề gia thất, thành đạt và ngỏ ý mời ông về ở cùng để con cháu phụng dưỡng nhưng ông từ chối, bảo chỉ muốn sống thanh thản một mình trong căn nhà nhỏ bên Biển Hồ thơ mộng. 
 

Đã từ lâu người dân sống quanh khu vực Biển Hồ, phố núi Pleiku chẳng ai còn nhớ đến cái tên thật của ông lão nữa. Những người tìm đến ông cũng chỉ biết đến cái biệt danh "ông già Biển Hồ". Ít ai biết rằng trước khi làm việc vớt xác, cứu người, tên của ông lão đã được đặt cho một ngọn núi...

Nguồn cand.com.vn
Các tin khác