Hồi ức của nữ chiến sĩ biệt động từng “vào sinh ra tử”
Cập nhật ngày: 29-08-2018
 
Dưới tiết trời nắng ấm của tháng Tám lịch sử, PV Báo CAND tìm đến phường Sơn Long, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước gặp bà Huỳnh Thị Minh Tuyết (76 tuổi), nữ chiến sĩ biệt động đã cùng đồng đội bám trụ kiên cường, lập nên nhiều chiến công làm quân thù khiếp sợ.
 

Bên ấm trà nóng, bà Tuyết kể: Tròn 16 tuổi, bà rời Quảng Ngãi vào Sài Gòn và sớm hòa vào những cuộc đấu tranh của quân dân vùng đô thị. Sau 2 năm, bà lên đồn điền Phú Riềng làm công nhân cao su.
 

“Cách mạng bị khủng bố tàn khốc bởi chính sách “tố cộng, diệt cộng” của chế độ Ngô Đình Diệm, chúng lê máy chém khắp miền Nam Việt Nam lùng sục bắt bớ cán bộ cách mạng. Các chi bộ cộng sản lui hoạt động bí mật để vận động công nhân theo kháng chiến. Tôi vào căn cứ bí mật K2 nằm sâu trong rừng Đắc Nhau (Bù Đăng) và làm việc trong Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Sau đó, ra ngoài căn cứ hoạt động và xây dựng mối quan hệ mật thiết với đồng bào STiêng trong những lần về cơ sở. Qua bao thử thách, Tỉnh ủy điều tôi về công tác tại Đội biệt động Bà Rá, trực tiếp cầm súng chiến đấu dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Quý, thường gọi là Tư Quý”, bà Tuyết nhớ lại.  
 

Ngược thời gian trở về thời kháng chiến, núi Bà Rá được coi là đài quan sát của thị xã Phước Long. Do là địa bàn chiến lược quan trọng nên địch bố trí dày đặc quân đội chính quy, biệt động bảo an…
 

Phía Bắc là sân bay Phước Bình (nơi Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Trung hạ cánh sau khi thả bom Dinh Độc lập năm 1975) nơi tập kết linh động Sư đoàn 5 của ngụy, sư đoàn “Anh cả đỏ”, “Tia chớp nhiệt đới” của Mỹ khi chiến sự lớn diễn ra. Người dân và các cán bộ cách mạng sống trong sự kiểm soát gắt gao, dày đặc các đồn bốt, trạm lính canh.

Bà Tuyết nhớ về những cuộc chiến đấu của đội biệt động nơi núi rừng Bà Rá.

Bà Tuyết cho biết, Phước Long được xem là cửa ngõ để vào miền Nam nên địch nhất quyết chiếm giữ hòng tách người dân với cách mạng. 
 

Do vậy, chúng tung những cuộc hành quân rà soát với tần số liên tục nhằm triệt hạ cơ sở cách mạng, diệt tận gốc mầm mống của ta. Đội biệt động thường được tổ chức ở các đô thành, hiếm ai nghĩ đến một đội biệt động tồn tại chốn thâm sâu rừng núi. 
 

Nhiều năm ròng thoắt ẩn, thoắt hiện bên cạnh đồn bốt của địch. Đội có 12 người (có lúc chỉ 5 người) được giao nhiệm vụ vừa đánh du kích, vừa xây dựng cơ sở, tuyên truyền đường lối cách mạng đến quần chúng…
 

Trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, cuộc chiến cam go quyết liệt nhất, bà được bổ sung vào Huyện ủy K11 (Phước Long bây giờ), sau đó được Tỉnh ủy tin tưởng giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá.
 

“Mấy mươi năm đã qua nhưng ký ức về cuộc chiến đấu nơi cánh rừng Bà Rá vẫn còn nguyên vẹn. Đó tháng ngày gian khổ lấy bìa rừng, bờ suối, hang động làm nơi trú ẩn, kiên cường bám trụ chống chọi những cơn sốt rét rừng, đối diện những ẩn họa từ cọp beo, rắn rết, đói khát. Địch cắt đường tiếp tế thì chúng tôi lấy chuối và sung rừng làm thức ăn. Chúng rải thuốc độc xuống dòng chảy thì tận dụng nước rỉa ra từ khe suối để uống. Nhiều đồng chí tiểu ra máu, xanh xao và ốm yếu nhưng bằng ý chí sắt đá vẫn kiên cường bám trụ. Người chiến sĩ biệt động phải có khả năng chiến đấu độc lập, nhanh trí, sáng tạo trong cách đánh địch. Có nhiều lúc, một chiến sĩ phải đương đầu với cả một tiểu đội của địch được trang bị vũ khí hiện đại”, bà Tuyết kể lại.
 

Khi đó, địch treo “giải thưởng” đầu bà Tuyết và đồng đội nhưng thủ đoạn bịp bợm của chúng không thể mua chuộc được người dân một lòng thủy chung, thà hy sinh để nuôi giấu cách mạng. Họ vượt hiểm nguy qua các đồn bốt, trạm gác tiếp tế đưa lương cho chiến sĩ, mật báo những cuộc hành quân càn quét của địch để đội biệt động tránh tổn thất. 
 

Kể đến đây, giọng bà Tuyết nghẹn lại: “Nhiều đồng đội ngã xuống khi còn rất trẻ. Ngày đó, trong một lần nữ chiến sĩ đưa thư hỏa tốc bị giặc phục kịch và hy sinh. Địch để xác ngoài trời với ý đồ chờ đồng đội đến đưa về sẽ bao vây tiêu diệt. Kế hoạch lấy xác trong đêm nhanh chóng được bàn bạc và thống nhất nhưng khi thực hiện, do nóng vội nên người chồng của nữ chiến sĩ xông lên trước liền bị làn đạn của kẻ thù bắn gục, cách thi thể của vợ gần 10 mét. Kế hoạch bị bại lộ, đội phải rút lui để bảo đảm an toàn. Cặp vợ chồng hi sinh khi vừa cưới nhau được vài tháng”.
 

Sau giây phút trầm ngâm, ánh mắt bà bỗng sáng rực lên khi nhờ lại các trận đánh táo bạo và bất ngờ, những lần mưu trí thoát khỏi vòng vây ngoạn mục. 
 

“Đầu năm 1969, 6 người trong đội trà trộn vào dân để vận động và dò la việc bố trí các đồn canh của giặc. Bị địch phát hiện, tôi và đồng đội bị bao vây. Mở đường máu thì cầm chắc cái chết, còn nếu bị tiêu diệt, cơ sở cách mạng tại núi Bà Rá sẽ tan vỡ. Giữa lúc nguy nan, đội đã quyết định thoát vòng vây bằng con đường tắt qua nghĩa trang khi lợi dụng sự hiểm trở cùng yếu tố tâm linh địch sẽ không phục kích”, người nữ biệt động cho hay.
 

Cũng năm 1969, đội thiếu vũ khí nên quyết định lên kế hoạch đánh vào tiểu đội địch đóng tại trường Nhất Linh để thu chiến lợi phẩm. Qua theo dõi và nắm được lịch hành quân cùng thời gian chúng đi lùng sục bắt bớ, 4 chiến sĩ đột nhập lấy súng đạn chuyển ra ngoài và đặt mìn và tiêu diệt toàn bộ tiểu đội địch.
 

Cũng theo bà Tuyết, chiến thuật của đội rất đa dạng, lợi dụng sự hiểm yếu núi rừng, đánh bên ngoài, đánh táo bạo thọc sâu, trà trộn để đánh, đụng địch là đánh. Đội biệt động thường đánh những trận nhỏ lẻ, có khi một ngày đụng độ 2-3 trận. 
 

Các trận đánh lớn phải phối hợp với Quân giải phóng, bộ đội địa phương như đột kích vào sân bay Phước Bình, thị xã Phước Long, đánh đồn Phước Lộc, ấp chiến lược Sơn Giang, phá cầu Đắc Lung… tiêu diệt hàng chục sinh lực địch.
 

Tháng 7-1972, bà Tuyết được rút về căn cứ và làm chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Bình Phước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trước lúc nghỉ hưu, bà còn kinh qua nhiều chức vụ như Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Phước Long, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Giang. Bà Tuyết được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất…

Nguồn cand.com.vn