May mắn và cơ duyên của nghề báo đã cho tôi gặp gỡ, viết về nhiều giáo sư, phó giáo sư khi được phong hàm rất trẻ tuổi… Ý chí, đam mê khoa học cháy bỏng của họ luôn cuốn hút tôi và hiểu thêm được nhiều điều thú vị và câu chuyện với Thiếu tá Phạm Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo (Học viện Cảnh sát nhân dân) – người vừa được trao quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư khi mới 35 tuổi, anh còn là Phó Giáo sư trẻ nhất của lực lượng CAND là một trong những cuộc gặp gỡ đó.
1.Cách đây hơn 10 năm, tân Phó Giáo sư trẻ nhất Phạm Tiến Dũng đã là một nhân vật trong bài báo nhỏ của tôi. Khi đó, Dũng tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân loại xuất sắc, trở thành sinh viên tiêu biểu của Khóa D27, được đại diện cho sinh viên khối các trường CAND dự lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Tôi ấn tượng mãi về chàng thủ khoa có khuôn mặt tuấn tú, cương nghị nên sau đó tôi tìm gặp Dũng và viết bài về em đăng trên Báo CAND. Sau này, do tính chất công việc, tôi có dịp được làm việc với Dũng và luôn cảm nhận ở Dũng một năng lượng dồi dào, một con người tràn đầy ý tưởng và luôn trách nhiệm cao độ với công việc.
Phó Giáo sư Phạm Tiến Dũng sinh ra ở xóm Thượng, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản (Nam Định). Thật thú vị vì xã Liên Minh đã nổi tiếng với nhiều bậc học giả, tướng lĩnh, nhà văn hóa, ngoại giao, nhà khoa học danh giá mà nhiều người đã biết.
Vùng quê giàu truyền thống văn hóa cách mạng đó đã bồi đắp cho Dũng những khát vọng, ước mơ ngay từ khi Dũng còn nhỏ. Dũng bảo tôi, ngày học phổ thông, do nhà nghèo, bố mẹ Dũng chỉ làm nông nên em hầu như không đi học thêm bao giờ. Sau khi tan học là Dũng về thẳng nhà, lao vào công việc đồng áng với mẹ.
Nhưng thật tuyệt vời khi bố Dũng là sĩ quan quân đội về nghỉ mất sức, còn mẹ Dũng dù chỉ ở nhà làm nông nghiệp nhưng có tư tưởng tiến bộ, luôn khuyến khích con cái phải cố gắng phấn đấu học hành. Nhắc đến mẹ, Phó Giáo sư Phạm Tiến Dũng nghẹn lại, xúc động. Đúng là đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ.
Mẹ Dũng, ngoài tình thương như biết bao bà mẹ dành cho con ra, bà luôn khơi lên trong Dũng khát vọng học hành tấn tới, và tự nhận về mình trách nhiệm lao động cật lực trên các thửa ruộng để nhà có thêm lúa, thêm gạo, có thêm điều kiện cho Dũng và người em trai học hành đến nơi đến chốn (em trai Dũng hiện cũng là giảng viên Khoa Toán Tin của Học viện Cảnh sát nhân dân).
|
Thiếu tá, PGS.TS Phạm Tiến Dũng cùng đồng nghiệp, bạn bè và người thân trong ngày nhận quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư tháng 4-2018. |
2. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, Dũng học hành tấn tới. Dù chỉ học lớp thường ở trường huyện (do Dũng được đưa vào lớp thường để làm hạt nhân cho phong trào học tập), nhưng Dũng đã nỗ lực vươn lên, luôn có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh và đạt giải cao môn Lịch Sử, Giáo dục công dân.
Cho đến bây giờ, khi đã trở thành Phó Giáo sư, tham gia hướng dẫn nhiều học viên đại học, cao học và nghiên cứu sinh, Dũng vẫn ảnh hưởng từ những kiến thức Giáo dục công dân thời đội tuyển phổ thông. Do cần mẫn chăm chỉ học hành nên từ cấp tiểu học đến đại học, Dũng đều là học sinh, học viên ưu tú, được chọn lên phát biểu cảm tưởng trong ngày bế giảng, tốt nghiệp.
Để được công nhận và trao quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư, thầy giáo Phạm Tiến Dũng đã làm việc không ngừng nghỉ, nhiệt huyết và đam mê, dù ở vị trí nào, dù được giao công việc gì, Dũng đều tận tâm.
Với Dũng, “không có mảnh đất nào cằn cỗi, nếu ta biết gieo nhiều ý tưởng, biến nó trở nên màu mỡ, trù phú”. Dũng được những người thầy đi trước dìu dắt, chỉ bảo rằng: “Làm việc gì cũng phải đến mức không thể làm hơn được nữa”. Nhiều học viên đại học, cao học cũng ảnh hưởng phong cách đó của thầy Dũng, ngoài sự lăn xả vào công việc thì phải rất nghiêm túc, cầu thị và trung thực trong nghiên cứu khoa học.
Phó Giáo sư Phạm Tiến Dũng đã chủ nhiệm hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và một đề tài cấp Bộ về lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế, được Hội đồng khoa học cấp cơ sở và cấp Bộ Công an nghiệm thu, đánh giá xuất sắc. Ngoài ra, Phó Giáo sư Dũng còn làm chủ biên, tham gia biên soạn một số sách chuyên khảo được nhà xuất bản CAND in ấn, phát hành, phục vụ nghiên cứu trong lực lượng CAND…
Nhìn lại những công trình, ý tưởng khoa học mà Phó Giáo sư Phạm Tiến Dũng theo đuổi, có thể thấy có hai mảng: Mảng đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế (Dũng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Cảnh sát kinh tế) và mảng giáo dục và đào tạo của nhà trường. Dũng chia sẻ, sở dĩ Dũng đầu tư nghiên cứu cả hai lĩnh vực vì luôn thấm thía câu nói của Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm.
Trong một lần giảng bài cho học viên cao học, thầy có nói rằng, “phấn đấu trở thành một cán bộ tốt thì phải giỏi một việc, nhưng biết và có thể làm nhiều việc”. Hiện với vai trò là Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Dũng đã có nhiều dấu ấn trong việc tham mưu, đề xuất để đổi mới công tác quản lý đào tạo, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục trong tình hình mới.
Từ chỗ đổi mới tư duy quản lý đào tạo bằng những quy định hành chính cứng nhắc được thay thế bằng tư duy quản lý là phục vụ, kiến tạo với phương châm “lắng nghe và thấu hiểu”. Được sự ủng hộ, tin tưởng của Đảng ủy Ban Giám đốc Học viện, được sự hỗ trợ, đồng lòng cùng chí hướng của tập thể Phòng Quản lý Đào tạo, Phó Giáo sư Phạm Tiến Dũng đã nỗ lực thực hiện các ý tưởng đổi mới, tận dụng mọi cơ hội của thời kỳ số hóa, ứng dụng một cách sáng tạo “công nghệ số” vào quản lý đào tạo.
Trong những thành quả vượt trội của Phòng Quản lý Đào tạo, có nhiều dấu ấn của Phó Giáo sư Phạm Tiến Dũng. Đó là việc sáng tạo mô hình đào tạo gắn lý luận với thực tiễn trải qua các kỳ thực tập môn học của sinh viên, đào tạo một sỹ quan cảnh sát giống như mô hình đào tạo sinh viên y khoa, sinh viên có 50% thời lượng trên lớp, 50% thời lượng xuống cơ sở.
Mô hình này hiện đang rất phát huy hiệu quả, trở thành mô hình học tập kiểu mẫu đang được Bộ Công an nhân rộng trong các nhà trường CAND. Đó là việc đẩy mạnh mô hình đào tạo lớp chất lượng cao, tạo những “hạt giống đỏ”; là việc nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ trong toàn Học viện, đến nay Học viện Cảnh sát nhân dân là trường duy nhất đã triển khai dạy và học nhiều môn nghiệp vụ hoàn toàn bằng tiếng Anh (hiện nhà trường đã biên soạn 8 giáo trình, 14 môn học nghiệp vụ bằng tiếng Anh).
Phó Giáo sư Phạm Tiến Dũng còn là “tác giả” của ý tưởng và phối hợp với đồng nghiệp để triển khai “sổ ghi đầu bài trực tuyến” – thay vì những cuốn sổ bằng giấy để giảng viên điểm danh, theo dõi học viên, thì sổ ghi đầu bài trực tuyến đã giúp cải cách hành chính mạnh mẽ, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí, đồng thời tạo sự minh bạch, công khai, trung thực trong quản lý việc dạy và học của nhà trường, hỗ trợ đắc lực hình thức đào tạo tín chỉ.
Hiện chỉ có Đại học FPT và Học viện Cảnh sát nhân dân có “sổ ghi đầu bài trực tuyến”… Phó Giáo sư Phạm Tiến Dũng còn cho tôi biết, năm 2020, Học viện Cảnh sát nhân dân sẽ đón đầu bằng việc xây dựng một chương trình đào tạo đại học hoàn chỉnh bằng tiếng Anh, để có thể thu hút sinh viên quốc tế đến theo học; đồng thời, xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ chuyên sâu, trong đó, ba ngành mũi nhọn là Cảnh sát điều tra, Kỹ thuật hình sự và Cảnh sát vũ trang, hướng tới đối tượng đào tạo là cảnh sát các nước ASEAN…
Nguồn cand.com.vn