CÔNG AN BẠC LIÊU
Tâm sự chuyện nghề của nữ quản giáo có tài cảm hóa phạm nhân
Cập nhật ngày: 12-04-2018
Thiếu úy Bàn Thị Huệ, một nữ quản giáo trẻ nhưng tràn đầy nhiệt huyết, hết lòng vì trách nhiệm, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, được đồng đội và cấp trên ghi nhận.

Đến thăm Trại Tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, được trao đổi với số phạm nhân nữ tại trại chúng tôi mới biết cán bộ quản giáo nơi đây được sự yêu mến, kính trọng nhiều như thế nào. Trong đó người được nhắc đến nhiều hơn cả là Thiếu úy Bàn Thị Huệ, một nữ quản giáo trẻ nhưng tràn đầy nhiệt huyết, hết lòng vì trách nhiệm, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, được đồng đội và cấp trên ghi nhận.
 

Xuất thân từ dân tộc người Dao sống tại bản Thung Rếch - huyện Kim Bôi, ngay từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông, chị đã mơ ước trở thành một nữ chiến sĩ Công an. Bằng ý chí và lòng quyết tâm, chị không quản ngày đêm miệt mài đèn sách, tự mình khổ luyện với khát khao cháy bỏng đạt được ước mơ của mình. Hạnh phúc mỉm cười với chị từ những nỗ lực vượt khó hiếu học ấy chị đã thi đỗ vào Trường Trung cấp CSND.
 

Thiếu úy Bàn Thị Huệ đọc sách tuyên truyền pháp luật cho các phạm nhân.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, chị đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi các đồng đội đi trước, lấy kiến thức mình đã được học ở trường làm hành trang vận dụng vào thực tiễn. 
 

Chị đã coi phạm nhân như chính người thân của mình, luôn gần gũi, lắng nghe, trao đổi tìm hiểu tâm tư tình cảm của phạm nhân từ đó nắm bắt, hiểu để giáo dục, hiểu để cảm hóa, động viên, khích lệ họ vượt qua mặc cảm quá khứ tội lỗi, vươn lên cải tạo tốt để sớm trở về hòa nhập với gia đình và cộng đồng xã hội. 
 

Trong suốt quá trình công tác, phải tiếp xúc với nhiều phạm nhân, mỗi người đều có những tính cách, cung bậc cảm xúc tâm lý khác nhau tùy vào từng hành vi phạm tội và mức án, chị luôn dành nhiều thời gian nghiên cứu để tìm hướng, giải pháp phù hợp giáo dục cho từng phạm nhân. 
 

Từ thực tế công việc hàng ngày, chị đã rút ra cho mình bài học kinh nghiệm là: Học tập phong cách ứng xử văn hóa của Bác Hồ, phải tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình nhưng chủ động, linh hoạt, lại vừa ân cần, tế nhị đối với phạm nhân thì phạm nhân nào cũng hết sức cảm phục.
 

Để những suy nghĩ, trăn trở đi đôi với việc làm hiệu quả, sau mỗi giờ cho phạm nhân giải lao, chị lại hỏi han, gần gũi. Chính tình cảm chân thành trong sáng của chị đã làm rung động trái tim của những phạm nhân từng là những người mẹ, từng có những đứa con; từ đó phạm nhân thấy tin tưởng bộc bạch, tâm sự những nỗi niềm trong lòng; tin tưởng vào những chính sách của Đảng, Nhà nước để quyết tâm cải tạo tốt, làm lại cuộc đời. 
 

Phạm nhân Nguyễn Thị Nguyện cho biết: Từ khi chấp hành án tại trại, được gặp cán bộ Huệ, là cán bộ trẻ song luôn quan tâm, gần gũi, chuyện trò với chúng tôi, khiến chúng tôi không còn rào cản và mặc cảm về quá khứ tội lỗi của mình. Tôi cảm nhận được tình cảm mà cán bộ Huệ dành cho chúng tôi giống như người thân vậy. Chúng tôi sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được ra trại...
 

Với đặc thù công việc phải có mặt từ rất sớm tại phân trại để hướng dẫn phạm nhân đi lao động, cải tạo để phạm nhân hiểu rõ giá trị của công sức lao động chính đáng, không phân biệt giữa phạm nhân và cán bộ, chị còn trực tiếp lao động cùng phạm nhân của mình, để trau dồi kinh nghiệm thực tế và hiểu hơn về hoàn cảnh của những nữ phạm nhân.
 

“Trẻ nhưng không non, nữ nhưng không yếu, sẵn sàng xung phong đảm nhận việc khó và hoàn thành tốt vì lợi ích của nhân dân”, là những nhận xét của Thượng tá Mạc Đức Đán, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình dành cho Thiếu úy Bàn Thị Huệ. 
 

Chị là điển hình tiêu biểu về cán bộ đảng viên trẻ xung kích-sáng tạo, bản lĩnh-vượt khó, tận tụy với công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là một trong 70 gương cá nhân điển hình tiên tiến khắc ghi sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, được tôn vinh tại hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2013 – 2018.


Nguồn cand.com.vn

Các tin khác