Bản lĩnh của một trinh sát hình sự
Cập nhật ngày: 29-03-2018
 
Mua chuộc không được, các đối tượng xã hội bóng gió đe dọa..., hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của người trinh sát trẻ. Nhưng trong khó khăn, bản lĩnh của người đội trưởng ấy càng được khẳng định. Cùng với đồng chí, đồng đội, anh tiếp tục lập thêm những chiến công mới, đưa những kẻ phạm tội ra ánh sáng, góp phần trả lại sự bình yên cho địa bàn.
 

Anh là Đại úy Phạm Văn Dân, Đội trưởng Đội phòng chống tệ nạn xã hội, mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương - một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017.
 

1. Tiếng ho khan của cô con gái nhỏ cắt ngang dòng suy nghĩ của Đại úy Phạm Văn Dân. Đã quá nửa đêm. Rời mắt khỏi chiếc máy tính, anh kéo chiếc chăn ấm lên ngang người, khuôn mặt ngây thơ, trong trẻo của các con trong giây phút làm lòng người đội trưởng ấy chùng xuống... Những chuyến công tác xa nhà rồi nhiệm vụ đột xuất do lãnh đạo đơn vị phân công cuốn anh và đồng đội vào guồng quay của công việc, giây phút gần gũi bên vợ con và gia đình vì thế rất đỗi hiếm hoi.
 

Chiếc máy điện thoại rung lên, báo hiệu có tin nhắn, kéo anh trở lại với thực tại. Thông tin trinh sát báo về cho biết Trần Thế Tòng (21 tuổi, trú tại xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), một trong hai mắt xích trong đường dây mua bán vũ khí quân dụng đang có mặt tại một quán bar.

Đại úy Phạm Văn Dân nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Cùng lúc này, mũi trinh sát nắm di biến động của kẻ cầm đầu Hoàng Văn Cường (36 tuổi, trú tại thôn Trại Mít, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) cũng liên tục cập nhật về... Trong rất nhiều thông tin được anh em trinh sát báo cáo hằng giờ, hằng ngày, nhiệm vụ của anh là phải tổng hợp tình hình, từ đó có những quyết định đúng đắn, kịp thời, đề xuất lãnh đạo đơn vị phá án.
 

Quán nước của đối tượng Cường thực chất là một vỏ bọc trá hình, che đậy cho hành vi bất hợp pháp của anh ta. Ngoài bán hàng trực tiếp cho người quen, anh ta còn giao dịch bán hàng qua mạng Internet. Sau khi khách ưng thuận, Cường sẽ ngã giá rồi hẹn địa điểm giao, nhận hàng. Căn nhà nằm sâu trong rừng của đối tượng này nghi vấn cất giữ một lượng lớn vũ khí.
 

Trong quá trình theo dõi, rất nhiều lần anh em trinh sát đề xuất cho bí mật tiếp cận, nhưng tính mạng và sự an toàn của anh em, không cho phép Đại úy Phạm Văn Dân được liều lĩnh. Với bản tính của một kẻ manh động,  lại từng nhiều lần ra tù vào tội, trong trường hợp phát hiện bị truy bắt, đối tượng sẽ điên cuồng chống trả quyết liệt. Để đối phó với Cơ quan công an, Hoàng Văn Cường sử dụng Trần Thế Tòng là một kẻ nghiện ma túy đá đi giao hàng.
 

Kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với công tác trinh sát giúp Đại úy Phạm Văn Dân hiểu rằng, kế hoạch đánh án càng chi tiết bao nhiêu thì việc phá án càng đảm bảo thành công bấy nhiêu. Vì thế, cùng với việc dựng chân dung các đối tượng nghi vấn, từng tình huống nghiệp vụ cũng được anh tỉ mỉ tính toán, nhằm đảm bảo phá án thành công, tránh để các đối tượng bị động sẽ bỏ trốn.
 

Trở lại trường hợp của Tòng, một kẻ ngáo đá manh động, yêu cầu an toàn luôn được anh đặt lên cao nhất. Trước mỗi lần giao hàng, Tòng thường kiểm tra rất cẩn thận, sau đó thị uy người mua bằng cách nổ súng để nắm bắt tâm lý. Với sự kiên trì của Đại úy Phạm Văn Dân và đồng đội, kết quả thu được rất khả quan. Sau một thời gian theo dõi, họ đã phá thành công chuyên án, thu giữ tang vật là 1 khẩu súng colt xoay, 6 viên đạn; 1 hộp giấy hình chữ nhật bên trong có 33 viên đạn.
 

Từ lời khai của Tòng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã thực hiện lệnh bắt, khám xét nhà riêng của Cường. Quá trình đấu tranh, đã bóc gỡ đường dây mua bán vũ khí trái phép, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra.
 

2. Đối tượng đấu tranh của hệ tệ nạn xã hội không manh động, liều lĩnh như tội phạm mua bán ma túy nhưng cũng có những đặc thù riêng, có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan điều tra. Chúng chủ động mua chuộc lực lượng làm nhiệm vụ nhằm bỏ qua hoặc làm ngơ cho hoạt đông phi pháp của bọn chúng.
 

Khi mục đích không thành, chúng quay sang đe dọa, khủng bố về tinh thần và sau đó tung tin thất thiệt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của những người được phân công làm nhiệm vụ, hòng làm giảm uy tín của lực lượng. Cá biệt, một số trường hợp còn “thách thức” cơ quan điều tra.
 

Cho đến bây giờ, Đại úy Phạm Văn Dân vẫn không quên lần triệt phá ổ nhóm đánh bạc do Trần Văn Biên (SN 1969, trú tại phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) cầm đầu. Sau khi ra tù, Biên câu kết với một số đối tượng, lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa Hải Dương và Quảng Ninh tổ chức cho các con bạc chuyên nghiệp tại nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc sát phạt nhau. Đối tượng lộng ngôn, thách thức các cơ quan thi hành pháp luật có thể bắt giữ hắn...

Đại úy Phạm Văn Dân cùng đồng đội lên kế hoạch đấu tranh chuyên án.

Được sự đồng ý của lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, không ít lần, Đại úy Phạm Văn Dân và đồng đội đã tổ chức khảo sát địa bàn, chọn thời điểm thích hợp phá án. Song Trần Văn Biên đúng là con “cáo già” khi anh ta biết lựa chọn vị trí đắc địa, là khu vực giáp ranh nằm sâu trong lòng núi để thực hiện hành vi phạm tội.
 

Ở vị trí này, Đội đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương rất khó để đưa quân vào tiếp cận hay liên lạc ra bên ngoài vì sóng điện thoại hầu như không có. Đó còn chưa kể đến hệ thống canh gác dày đặc từ ngoài đường nhựa vào bên trong. Cứ khoảng 20 cây số, Biên lại cho người canh gác.
 

Hằng ngày, đối tượng liên hệ với dân đánh bạc chuyên nghiệp tại nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc đi đến địa điểm cố định tại thị xã Chí Linh rồi dùng xe ô tô đón các đối tượng đánh bạc. Các đối tượng đi theo đường thôn Hoàng Gián vào sâu trong xã Hoàng Tiến, Chí Linh, đến khu vực giáp ranh với xã An Sinh, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh và xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang để đánh bạc.
 

Hằng ngày, có khoảng 60 đến 100 đối tượng đánh bạc với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Những người tham gia đánh bạc phải nộp 1 triệu đồng/1 ca (khoảng 2h đồng hồ) để được tham gia chơi. Để tránh sự phát hiện của lực lượng công an, chúng còn tổ chức sát phạt nhau vào ban đêm.
 

Nhiều lần, khi đại úy Dân và đồng đội chuẩn bị phá án thì đối tượng lại di chuyển sang địa bàn bên cạnh. Càng khó khăn, càng thôi thúc người đội trưởng ấy và đồng đội làm đến cùng. Vào một đêm cuối năm, sau khi có nguồn tin về việc đối tượng tụ tập đánh bạc, anh đã báo cáo lãnh đạo công an tỉnh lên kế hoạch đánh án. 23h30 hôm ấy, Đại úy Phạm Văn Dân và đồng đội phát hiện đối tượng đánh bạc tại một bãi đất trống... đã tổ chức lực lượng bao vây và bắt giữ được 26 đối tượng, thu giữ tang vật hơn 80 triệu đồng. 
 

Chưa một lần Đại úy Phạm Văn Dân chia sẻ với bạn đời và những người thân trong gia đình về áp lực công việc, những nguy hiểm mà hằng ngày anh và đồng đội phải đối mặt khi làm nhiệm vụ... Thế nhưng, mỗi khi anh nhận điện thoại lên đường, vợ anh ở nhà cũng bồn chồn, lo lắng cho đến khi nhận được điện thoại của chồng. Tâm trạng của người phụ nữ đã chia ngọt sẻ bùi với Đại úy Phạm Văn Dân có lẽ cũng là tâm tư của hầu hết người bạn đời đang đồng hành cùng những người lính hình sự.
 

Mảng việc Đại úy Phạm Văn Dân được giao nhiệm vụ phụ trách, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và mua bán người có những đòi hỏi riêng rất khắt khe. Người trinh sát ngoài khả năng tổng hợp thông tin, khả năng ứng biến nhanh còn phải có sự chủ động. Chủ động tìm việc để làm, chủ động nắm tình hình đến việc xây dựng kế hoạch phá án và cuối cùng là sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, đặc biệt là trong những chuyên án lớn.
 

Mỗi vụ án thuộc mảng tệ nạn xã hội có những đặc thù riêng nhưng yêu cầu bắt buộc là phải bắt quả tang khi các đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội, thu giữ tang vật vụ án, chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng chủ mưu và những kẻ có liên quan. Đại úy Phạm Văn Dân cho biết, đối với các vụ án đánh bạc, đối tượng thực hiện hành vi đánh bạc phần lớn là những kẻ chuyên nghiệp, có nhiều thủ đoạn đối phó với Cơ quan công an. Trong trường hợp công tác điều tra, nắm tình hình không cẩn trọng, không kịp thời bắt quả tang, đối tượng sẽ lu loa, gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng làm nhiệm vụ.
 

Những năm gần đây, nhiều đối tượng còn triệt để sử dụng công nghệ thông tin để việc thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài giao dịch bằng điện thoại, các đối tượng còn sử dụng mạng xã như Facebook, Zalo..., làm phương tiện liên lạc, điều đó đòi hỏi người điều tra viên ngoài trình độ chuyên môn còn phải có trình độ về công nghệ thông tin.
 

Trong những năm qua, Đại úy Phạm Văn Dân và đồng đội đã triệt phá thành công nhiều chuyên án đánh bạc qua mạng, trong đó phải kể đến vụ án tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương, với số tiền đánh bạc lên tới hơn 7.000 tỷ đồng. Để phá được đường dây cờ bạc này, vất vả nhất là có lẽ là việc phải đánh lạc hướng của nhóm đối tượng nghi vấn. Trong khi anh em trinh sát bí mật nắm thông tin về đối tượng thì chúng cũng tung “chim lợn” dò la tin tức của các trinh sát Đội phòng chống tệ nạn xã hội, mua bán người.

Đại úy Phạm Văn Dân cùng đồng đội lên kế hoạch đấu tranh chuyên án.

Với chiêu bài “điệu hổ ly sơn”, Đại úy Phạm Văn Dân cùng đồng đội đã mưu trí, đánh lạc hướng các đối tượng chủ mưu, điều hành để “tương kế, tựu kế”, triệt phá toàn bộ đường dây cá độ bóng đá trên. Kết quả đã khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can về hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
 

3. Ngoài mảng việc được phân công phụ trách, Đại úy Phạm Văn Dân còn tích cực tham gia điều tra các vụ án theo yêu cầu của lãnh đạo đơn vị. Điển hình trong số đó có vụ giết người tại Hòa Tô, Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang trong dư luận nhân dân. Nạn nhân là một cháu bé bị tử vong với nhiều vết thương trên người. Cháu bé được phát hiện ngay trên giường ngủ của gia đình, thời gian xảy ra khoảng 5h sáng, hiện trường không có bất kỳ dấu vết gì.
 

Trong vụ án này, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã huy động toàn bộ lực lượng để sàng lọc, rà soát các đối tượng trong diện nghi vấn, có dấu hiệu bất minh về thời gian. Vào thời điểm đó, Đại úy Phạm Văn Dân được phân công chỉ huy một mũi công tác xác minh theo các nguồn tin được nhân dân cung cấp để truy tìm tang vật gây án. Sau một thời gian đấu tranh, đơn vị đã xác định được đối tượng có dấu hiệu khả nghi, liên quan đến vụ án.
 

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, đối tượng lại đang trong diện điều trị tại bệnh viện tâm thần, có biểu hiện tâm thần, lời khai không thống nhất, gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, chứng minh tội phạm. Để góp phần làm rõ vụ án, anh đã cùng cán bộ được phân công sàng lọc, xác minh và chứng thực lại các thông tin, góp phần làm rõ đối tượng gây án...
 

Với thành tích này, 3 năm liên tiếp, Đại úy Phạm Văn Dân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; năm 2017 vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và đang được đề nghị xét tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND”. Anh cũng là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 được vinh danh.

Nguồn cand.com.vn