Trung tướng Trần Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Viện trưởng Viện KSND tối cao đã được trân trọng nhắc đến trong phim với vai trò Trưởng ban bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ…
Vị tướng Công an mưu trí, tài ba trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Ngược dòng thời gian, với những mốc son lịch sử chói lọi, từ những chiến công và kinh nghiệm tham gia phục vụ và bảo vệ các chiến dịch như: Biên giới, Tây Bắc, Hòa Bình… đến năm 1954, lực lượng CAND đã được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ. Giữ trọng trách Trưởng ban bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung tướng Trần Quyết đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng vũ trang khác và nhân dân đập tan đội quân gián điệp biệt kích GCMA của Pháp, bảo vệ bộ đội chủ lực, bảo vệ dân công, bảo vệ an toàn tuyến giao thông trọng điểm, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững ANTT ở cơ sở… góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Thượng tướng Bùi Văn Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: "Đáp ứng quy mô và tầm quan trọng của chiến dịch, Thứ Bộ Công an, nay là Bộ Công an, đã thành lập Ban Công an tiền phương với nhiệm vụ là, bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và các cơ quan đầu não kháng chiến, Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Lực lượng CAND cùng với QĐND đã tổ chức tốt công tác nắm, phân tích, đánh giá tình hình, phát hiện và báo cáo kịp thời âm mưu, kế hoạch triển khai của quân đội Pháp; phát hiện và đập tan âm mưu hoạt động tình báo gián điệp của địch; tham gia phong trào trừ gian tiễu phỉ và tấn công địch trên các chiến trường, hỗ trợ tích cực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả cho Chiến thắng", Công an các tỉnh thuộc khu IV, khu III, khu Tả Ngạn, khu Việt Bắc, Tây Bắc và Công an khu V, đã phối hợp với các ngành, các lực lượng đẩy mạnh phong trào diệt ác trừ gian, mở rộng vùng giải phóng, vùng tự do, củng cố hậu phương vững chắc, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch".
Thượng tướng Bùi Văn Nam khẳng định: "Rất nhiều những tấm gương hy sinh của hàng vạn CBCS ở cả chiến trường và hậu phương đã để lại cho chúng ta những kỷ niệm, những bài học hết sức sâu sắc, trong đó có tấm gương của Trung tướng Trần Quyết, Trưởng ban bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ…".
Nhìn lại quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CAND, đã xuất hiện những vị tướng có tâm, có tầm, có tài, trong đó có Trung tướng Trần Quyết. Chính vì vậy, khi ông còn sống, nhiều PV, trong đó có PV Báo CAND đã được ông chia sẻ thông tin về những chiến công, đóng góp của lực lượng CAND trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo đó, sau khi Bộ Chính trị thông qua quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung tướng Trần Quyết đang làm nhiệm vụ tiếp quản Nà Sản thì nhận được quyết định của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn giao nhiệm vụ giữ chức Giám đốc Công an Khu Tây Bắc kiêm Trưởng ban bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhiệm vụ của Ban bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ rất nặng nề, vừa quét sạch bọn gián điệp biệt kích, chỉ điểm, vừa bảo vệ an toàn nơi đóng quân, vũ khí, khí tài ra mặt trận; kiểm tra đôn đốc bộ đội, dân công thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bảo mật, phòng gian, giảm tổn thất về người và của, tất cả phục vụ tiền tuyến ở Điện Biên Phủ… Giai đoạn này, lực lượng Công an đã "tương kế tựu kế" mưu trí xác lập nhiều chuyên án, đánh thẳng vào sào huyệt của quân địch và một trong những chiến công xuất sắc là chuyên án TN25…
Thượng tướng Bùi Văn Nam đánh giá: "Đây là một kế hoạch nghiệp vụ mà phía các cơ quan tình báo Pháp tính toán rất kĩ nên đã bố trí 4 nhân viên bí mật thâm nhập vào vùng Vĩnh Yên - Thái Nguyên, để từ đó nắm được sự vận chuyển con người, vũ khí và phương tiện của ta từ Việt Bắc lên chiến trường Tây Bắc... Chúng ta đã bắt, vô hiệu hóa và khống chế 4 đối tượng này, sử dụng người của địch để tấn công lại địch, dùng điện đài và cũng lần đầu tiên chúng ta sử dụng "trò chơi nghiệp vụ". Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, qua chuyên án này, chúng ta đã cung cấp rất nhiều tin tức giả cho cơ quan tình báo Pháp, và cũng từ những tin tức giả này mà trong đánh giá và triển khai chiến dịch, thực dân Pháp đã gặp rất nhiều sai lầm. Sau này, khi tổng kết đánh giá chuyên án này, các cơ quan nghiệp vụ, cơ quan nghiên cứu, các cơ quan tình báo trên thế giới đều đánh giá đây là một chuyên án mẫu mực về mặt nghiệp vụ"…
Chiến công tiếp nối chiến công, chỉ trong 4 tháng đầu năm 1954, ta đã bắt được 389 biệt kích ở miền Bắc, 19 quân báo viên chuyên trách, phá mạng lưới gián điệp nguy hiểm ở Lạng Sơn, khống chế tổ biệt kích có điện đài trên tuyến đường chiến lược Thái Nguyên, Tuyên Quang. Cả một địa bàn rộng lớn nơi các tuyến đường vận chuyển huyết mạch của ta lên chiến trường Điện Biên Phủ, với hướng từ Thanh Hóa ra, từ Liên khu III và Hòa Bình, Sơn La lên, từ Yên Bái qua Nghĩa Lộ và từ Phong Thổ, Lai Châu sang đã được làm sạch…
Khơi nguồn cảm hứng
Bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên" do Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an, Công an một số đơn vị, địa phương phối hợp Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức sản xuất… Với thời lượng hơn 30 phút, lần đầu tiên, thông qua những thước phim tư liệu quý, những đoạn phỏng vấn tại Việt Nam và Pháp, có các nhân chứng lịch sử chưa từng được công bố, cùng thực cảnh sân khấu sáng tạo, bộ phim đã tái hiện lại một cách chân thực nhất nhưng cũng đầy xúc cảm thẩm mĩ trước những chiến công vang dội mà thầm lặng của lực lượng CAND anh hùng. Trong bộ phim có xuất hiện hình ảnh của Trung tướng Trần Quyết và đồng đội…
Đạo diễn Tạ Quốc Lâm chia sẻ, cách đây khá lâu, trong một dịp làm phim tài liệu ở huyện Văn Chấn, Yên Bái, anh đã nghe những vị lão thành cách mạng ở đây nhắc nhiều tới Trung tướng Trần Quyết. Qua lời kể, anh rất ấn tượng về một vị tướng, một cựu tù chính trị, đặc biệt là hình ảnh người chỉ huy thông minh, mưu trí và đầy lòng nhân ái, nghĩa tình luôn được đồng bào các dân tộc tin tưởng, chở che.
Chính vì vậy, khi được giao nhiệm vụ làm phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên", anh và nhà biên kịch Nguyễn Thị Thanh Vĩnh đã tìm hiểu sâu hơn về ông trước, trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ. Dường như trong nhà tù của thực dân, đế quốc đã trui rèn bản lĩnh, phẩm chất cách mạng kiên cường thêm cho ông, đã luôn thể hiện tinh thần "thép" của người chiến sĩ cách mạng. Ai cũng biết, với cương vị là Trưởng ban bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng vũ trang khác và nhân dân đập tan đội quân gián điệp biệt kích GCMA của Pháp, bảo vệ bộ đội chủ lực, bảo vệ dân công, bảo vệ an toàn tuyến giao thông trọng điểm…
"Quá trình tiếp xúc với những tài liệu, văn bản chúng tôi đã xác định: Chuyên án TN25 chính là một chiến công tiêu biểu thể hiện sự mưu trí, dũng cảm của lực lượng CAND, trong đó có sự đóng góp của Trung tướng Trần Quyết, trong việc bảo vệ an ninh, góp phần vào thành công cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính vì vậy, trong bộ phim tài liệu có những hình ảnh độc đáo về chuyên án TN25, với những đóng góp của Trưởng ban bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ… Thời kỳ đầu Tây Bắc mới được giải phóng là giai đoạn khốc liệt nhất, đặc biệt đối với những người làm nhiệm vụ tiễu phỉ, trừ gian, xây dựng cơ sở, bảo vệ an ninh biên giới… Và, khi phỏng vấn Thượng tướng Bùi Văn Nam, ông luôn nhắc đến Trung tướng Trần Quyết là một vị chỉ huy thông minh, mưu lược, tài ba luôn thương yêu chiến sĩ, tôn trọng cấp dưới. Đặc biệt là lối sống giản dị, khiêm tốn, gắn bó với nhân dân, luôn đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết…" - đạo diễn chia sẻ thêm.
"Quá trình thực hiện bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên", rất may mắn được tìm hiểu, có thêm thông tin, tư liệu về Trung tướng Trần Quyết, nhưng do áp lực về thời lượng phát sóng, chúng tôi chưa thể nói nhiều về ông - một tấm gương sáng chói về lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ CAND. Hình ảnh của ông sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng cho các thế hệ mai sau như chúng tôi" - đạo diễn Tạ Quốc Lâm xúc động cho biết.
Gặp gỡ chúng tôi khi vừa xem xong bộ phim, con trai cụ Trần Quyết - Trung tướng Phạm Ngọc Quảng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an xúc động chia sẻ: "Bộ phim "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên rất có nghĩa khi phát sóng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Là món quà quý, sự tri ân với Đảng, Nhà nước, với các "chiến sĩ Điện Biên"… mà bố tôi vinh dự được sống, chiến đấu, cống hiến, góp sức vào thành công chiến dịch Điện Biên Phủ. Xin được trân trọng cảm ơn Bộ Công an, các đơn vị tổ chức sản xuất phim, ê-kíp làm phim cũng như các nhân chứng lịch sử, nhân vật trong phim và các tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ đoàn trong quá trình sản xuất. Đây cũng là một hình thức có hiệu quả để lan tỏa lịch sử, giáo dục truyền thống, cần thiết không chỉ với mỗi gia đình tôi mà còn với mỗi người dân đất Việt yêu chuộng hòa bình, hướng tới tương lai tốt đẹp…".
Đồng chí Trần Quyết (tên thật là Phạm Văn Côn), sinh ngày 12/2/1922 tại xã Ngọc Động, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, mất ngày 1/3/2010 tại Hà Nội. Tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi, trải qua hơn 70 năm công tác, đồng chí Trần Quyết đã được Đảng, Nhà nước giao giữ nhiều trọng trách: Chủ nhiệm Việt Minh, Bí thư Tỉnh ủy, Khu ủy viên, Phó Bí thư Khu ủy kiêm Giám đốc Công an Khu Tây Bắc, Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Tư lệnh, kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh CAND vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), Viện trưởng Viện KSND tối cao… Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng giữ vững khí tiết của người đảng viên Cộng sản, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc; sống cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác…