Bệnh thần kinh khu trú ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2
Cập nhật ngày: 18-01-2018
 
Hiện nay, điều trị bệnh thần kinh ở bệnh nhân đái tháo đường là giảm đau bằng thuốc kháng viêm non-steroid, thuốc chống trầm cảm ba vòng, tramadol; gabapentin.
 
Bệnh thần kinh khu trú ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: neotropix.com

Biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh đái tháo đường không phải là bệnh lý giản đơn mà gồm nhiều hội chứng khác nhau, ảnh hưởng đến tất cả các thành phần của thần kinh ngoại biên.

Phân loại bệnh thần kinh đái tháo đường theo tác giả Thomas có 4 loại gồm tổn thương hồi phục nhanh đối với bệnh nhân thần kinh do tăng đường huyết; bệnh đa dây thần kinh đối xứng toàn thân; bệnh thần kinh khu trú (đơn ổ và đa ổ) gồm thần kinh sọ, bệnh rễ thần kinh ngực- thắt lưng, thần kinh tứ chi khu trú, bệnh thần kinh vận động gần (bệnh teo cơ); và bệnh thần kinh thoái hóa myelin do viêm mạn tính (CIDP).

Theo phân loại của Thomas, bệnh thần kinh khu trú (đơn ổ hoặc đa ổ) như bệnh đơn dây thần kinh, xảy ra do sợi thần kinh bị chèn ép. Có gần 6% người đái tháo đường bị hội chứng ống cổ tay, chèn ép dây thần kinh giữa. Dây thần kinh nói chung có tỷ lệ tổn thương 5-12% làm bàn chân rũ. Người bệnh có thể có bất thường cảm giác nhưng không đau hay dị cảm. Ở đây phân biệt với tổn thương rễ thắt lưng 5 bệnh nhân sẽ đau thắt lưng và lệch bàn chân ra ngoài.

Trường hợp tổn thương dây thần kinh bì đùi ngoài, bệnh nhân bị dị cảm hay mất cảm giác ở mặt ngoài đùi. Đối với bệnh thần kinh sọ thường gặp ở người đái tháo đường lớn tuổi mắc bệnh nhiều năm, trong các dây thần kinh sọ 3,4,6,7 thì thần kinh mặt, dây chi phối cơ vận nhãn ngoài bị ảnh hưởng nhất.

 

Đối với bệnh thần kinh vận động gốc chi (còn gọi là bệnh teo cơ do đái tháo đường) ở người đái tháo đường tuýp 2, tuổi từ 50-60, đau nhiều kèm với yếu một bên hoặc hai bên, teo cơ đùi, cơ bụng chân rõ rệt.

Đối với bệnh rễ thần kinh ở thân mình, tuổi trung niên, cao niên mắc nhiều, nam nhiều hơn nữ. Đau là triệu chứng nổi bật, khởi phát cấp tính hoặc kéo dài hơn. Đau âm ỉ hoặc bỏng rát, đôi khi xen kẽ đau như dao đâm, nhiều về đêm, phân bố đau dạng khoanh ở vùng dưới ngực hay thành bụng, một hoặc hai bên, người bệnh có thể mất cân trầm trọng. Triệu chứng bệnh thoái lui sau 4-7 tháng.

Bệnh thần kinh vận động gốc chi (bệnh teo cơ do đái tháo đường) được xếp vào nhóm bệnh thần kinh khu trú, do sợi, rễ và đám rối thần kinh bị thiếu máu nuôi hoặc nhồi máu cấp tính.

Về mặt bệnh học, các kết quả nghiên cứu cho thấy có tổn thương cả sợi có myelin lẫn không có myelin; mất hoàn toàn sợi thần kinh ở một số bệnh nhân hoặc giảm kèm tái tạo sợi thần kinh bì đùi trung gian (sợi gần) và sợi thần kinh vùng cẳng chân (sợi xa).

Nghiên cứu cũng cho thấy thoái hóa sợi trục như mất hoặc giảm xu thế hoạt động cơ phức hợp ở các dây thần kinh chày, thần kinh mác, giảm cảm giác của thần kinh cẳng chân, tốc độ dẫn truyền thần kinh vẫn nguyên vẹn. Đối với bệnh thần kinh vận động gốc chi, yếu và teo các cơ chậu đùi, ít ảnh hưởng đến cảm giác là đặc trưng khác với những thể còn lại của bệnh thân kinh do đái tháo đường.

Bệnh thần kinh vận động trong trường hợp này khởi phát thình lình, không đối xứng và diễn tiến kéo dài nhiều tháng đến 1-2 năm. Chẩn đoán bệnh dựa vào triệu chứng thường dễ nhận biết khi có yếu và teo cơ gốc chi. Triệu chứng đối xứng hoặc không, có thể kèm với đau mặt ngoài đùi. Người bệnh rất khó khăn khi đứng dậy, bệnh đồng thời hiện diện cùng với bệnh đa dây thần kinh đối xứng xa.

Hiện nay, điều trị mục tiêu là giảm đau bằng thuốc kháng viêm non-steroid, thuốc chống trầm cảm ba vòng, tramadol; gabapentin. Bệnh nhân phải luôn được kiểm soát đường huyết và khuyến khích chuyển điều trị từ thuốc viên hạ đường huyết sang chích insulin. Do cơ chế viêm mạch máu, thuốc ức chế miễn dịch có thể hiệu quả. Bắt đầu bằng tiêm tĩnh mạch, kế tiếp là uống corticosteroid liều cao hoặc truyền glolululin miễn dịch.

Theo: tuoitre.vn