Ảnh minh họa. Nguồn: circleofdocs.com
Rối loạn tự kỷ là một khiếm khuyết về phát triển, có liên quan đến thần kinh, xuất hiện lúc nhỏ kéo dài suốt đời ảnh hưởng đến sự giao tiếp và tương tác với người khác, với môi trường xung quanh. Trẻ mắc chứng rối loạn tự kỷ sẽ gặp nhiều khó khăn trong hai lãnh vực cơ bản là: tương tác xã hội, giao tiếp - trò chuyện và hành vi rập khuôn. Theo trung tâm Phòng chống Dịch bệnh tại Hoa Kỳ, năm 2012 cứ 68 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ.
Những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị rối loạn tự kỷ
Rối loạn tự kỷ không có thay đổi vẻ mặt mà chủ yếu ảnh hưởng đến sự tương tác và trò chuyện của trẻ với người khác. Khi chăm sóc trẻ, chúng ta cần chú ý đến các dấu hiệu BÁO ĐỘNG ĐỎ sau đây:
+ Không cười đùa hay bập bẹ lúc 9 tháng tuổi.
+ Không chỉ ngón trỏ lúc 12 tháng tuổi.
+ Không nói từ đơn lúc 16 tháng tuổi.
+ Không nói từ đôi lúc 24 tháng tuổi .
+ Mất bất kỳ ngôn ngữ hay kỹ năng xã hội nào khác.
Khi thấy trẻ chậm nói, gọi không quay lại, không bắt chước, không chơi với bạn, bận tâm quá mức hay không khoe, không mừng khi cha mẹ đi làm về hoặc không làm theo lệnh, cha mẹ..., các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến thăm khám, chẩn đoán tại các bệnh viện có bác sĩ được đào tạo về rối loạn tự kỷ như bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi Đồng 2 và Phòng khám Nhi khoa Phát triển Hành vi Tao Đàn quận 1.
Phương pháp can thiệp và cải thiện sớm tình trạng rối loạn tự kỷ của trẻ
Rối loạn tự kỷ chưa có thuốc điều trị khỏi, nguyên nhân chưa rõ và phức tạp. Thuốc không có tác dụng điều trị khỏi rối loạn tự kỷ mà chỉ tập trung vào triệu chứng. Tuy nhiên, theo y văn, nếu trẻ được can thiệp sớm truớc 3 tuổi sẽ có hiệu quả can thiệp càng tốt, vì não của trẻ rất nhạy với các kích thích ở giai đoạn này.
Trung tâm can thiệp sớm cần có nhóm đa ngành gồm bác sĩ Nhi khoa Phát triển Hành vi, chuyên viên tâm lý, chuyên viên âm ngữ, kết hợp với giáo viên chuyên biệt để xây dựng chương trình giáo dục cá nhân thích ứng với mức phát triển và khiếm khuyết của từng trẻ. Mục tiêu can thiệp là vừa cải thiện giao tiếp vừa cải thiện hành vi. Trước hết là tập trung vào kỹ năng về giao tiếp mắt, bắt chước, luân phiên, lắng nghe và học cử điệu cùng vui chơi. Vì rối loạn tự kỷ thường kèm với rối loạn điều hòa cảm giác, dù trẻ có lời nói hay không có lời nói nên can thiệp hành vi trước sẽ hiệu quả hơn khi có trao đổi bằng hình ảnh. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần tham gia tập huấn để biết tuổi phát triển hiện tại của con và biết cách tiếp cận chơi đùa với con tại nhà nhằm tối ưu chương trình can thiệp sớm này.
Trong quá trình can thiệp rối loạn tự kỷ, cha mẹ là thành viên vô cùng quan trọng quyết định cùng với nhóm can thiệp đa ngành kể trên để giúp trẻ cải thiện tình trạng rối loạn tự kỷ hiệu quả. Do đó, cha mẹ cần tham gia tập huấn để bổ sung những kỹ năng hòa nhập cho con như: sử dụng câu chuyện xã hội ở những trẻ tự kỷ có lời nói, giúp con biết kết bạn, biết chia sẻ cảm xúc và chơi chung với bạn; biết thích ứng với sự chuyển tiếp theo các giai đoạn của từng lứa tuổi hay chuyển tiếp từ môi trường này sang môi trường khác, từ người chăm sóc này sang người chăm sóc khác hoặc giúp trẻ học về giáo dục giới tính từ những việc tự vệ sinh cá nhân hằng ngày ở nhà và ở trường; biết kỹ năng tránh bắt nạt và tránh bị lạm dụng để hòa nhập cộng đồng tốt nhất.
Theo: tuoitre.vn