Ảnh minh họa. Nguồn: newstrend.news
Đó là bột/cháo được nấu với đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ và vitamin. Để phát triển tốt, trẻ bắt đầu ăn dặm vẫn cần được tiếp tục bú sữa mẹ hàng ngày ít nhất 3-4 lần và ăn từ 2 bữa rồi tăng dần lên 3-4 bữa trong một ngày khi gần 1 tuổi.
Chọn thực phẩm cho trẻ ăn dặm như thế nào?
- Chọn thực phẩm giàu năng lượng và giàu dinh dưỡng, đặc biệt là sắt, kẽm, canxi, vitamin A, C và folate: có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật như thịt heo, bò, gà…; các loại hải sản như nghêu, sò, ốc, hến…; các loại sữa. Và để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất cho trẻ, các bà mẹ nên lưu ý là nước hầm chỉ cho vị ngọt và mùi thơm nhưng lại không có giá trị dinh dưỡng bao nhiêu. "Xác" thịt cá mới đủ khả năng cung cấp dưỡng chất cần thiết cho trẻ.
- Để chọn sữa cho con, ngoại trừ sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng không gì có thể so sánh được, các loại sữa công thức cho trẻ dưới 12 tháng và sữa tươi dành cho trẻ trên 12 tháng đều tốt cho trẻ. Các bà mẹ không nên chạy theo quảng cáo mà chọn loại sữa đắt tiền, không phù hợp với kinh tế gia đình.
- Chọn thực phẩm sạch và an toàn: là thực phẩm không có vi khuẩn gây bệnh hoặc các sinh vật có hại khác; không có các hóa chất độc hại. Để an toàn cho trẻ và cho cả gia đình, chúng ta nên chọn lựa thực phẩm có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, có thương hiệu uy tín, còn trong hạn dùng.
- Thực phẩm được chọn cho trẻ chú ý là không có xương hoặc các miếng cứng có thể gây tổn thương cho trẻ.
- Thức ăn khi cho trẻ ăn không quá nóng, cay, mặn để trẻ dễ ăn và thích ăn.
- Nên tránh dùng những bữa phụ có quá nhiều đường (làm hỏng răng) và có giá trị dinh dưỡng thấp (ví dụ: nước có gas, kẹo kem, kẹo que), dễ gây các bệnh rối loạn chuyển hóa sau này.
Cách cho trẻ ăn dặm đúng cách:
- Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu và chia thành các bữa nhỏ (với trẻ mới ăn dặm hoặc trẻ biếng ăn). Tránh ăn trong bữa chính của trẻ những thức ăn thô, nguyên hạt khó tiêu, thấp năng lượng như ngô, khoai môn, bột sắn…
- Ða dạng thực phẩm: Thay đổi các loại thức ăn trong các bữa ăn hoặc các ngày, để ý chọn những loại thức ăn trẻ thích để khuyến khích trẻ ăn đủ bữa.
- Với trẻ ăn kém, chậm lên cân hay sau đợt ốm, cần chú trọng bồi dưỡng bằng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng giúp trẻ nhanh bắt kịp đà phát triển, đặc biệt là thực phẩm giàu đạm động vật: sữa mẹ, sữa công thức (trong trường hợp không được bú mẹ), trứng, thịt, cá…
- Ngoài ra, khi bắt đầu ăn dặm cần lưu ý cho trẻ được uống đủ nước đun sôi để nguội, nước hoa quả tươi và ăn thêm hoa quả để cung cấp đủ vitamin và chất xơ để đảm bảo quá trình tiêu hóa trong cơ thể được thuận lợi.
Theo: tuoitre.vn