Mọi trẻ em đều phải tiêm vitamin K sau sinh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bác sĩ Đặng Ánh Dương, phó trưởng khoa hồi sức ngoại Bệnh viện Nhi T.Ư, cho hay 90% trẻ xuất huyết não do thiếu vitamin K vào thời điểm trẻ 30-40 ngày tuổi, và mặc dù được can thiệp tích cực nhưng tỉ lệ trẻ bị để lại di chứng lên đến 40-50% và tử vong lên đến 25-40%.
Không chỉ vitamin K, bà Lê Bạch Mai, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay thiếu vitamin và khoáng chất như D, canxi, sắt... đều ảnh hưởng đến sức khỏe, chiều cao, xương, miễn dịch của trẻ.
Song bà Mai cho rằng cha mẹ nên rất thận trọng khi bổ sung vitamin, khoáng chất cho trẻ.
Thiếu chất nào cũng mệt
Trong khi thịt, cá, cơm, rau, bánh kẹo, trái cây là những thực phẩm cha mẹ có thể "nhìn, sờ" và tạm định lượng được qua khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ, thì vitamin, khoáng chất là thứ không nhìn, không sờ thấy, vì vậy ngay cả trẻ em ở thành phố có điều kiện sống tốt hơn trẻ ở nông thôn cũng bị tình trạng thiếu vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi, sắt, kẽm, vitamin D.
Với trẻ em ở vùng núi, vùng cao, một khảo sát do nhóm nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện ở Lai Châu vừa được phó viện trưởng viện này là bà Trương Tuyết Mai công bố. Theo đó, qua tính toán trên bữa ăn một ngày của 24 trẻ em cho thấy không có trẻ nào được đáp ứng đủ năng lượng, protein, có 12% các cháu đạt nhu cầu khuyến nghị về chất béo có nghĩa 88% không đạt, chỉ 25% các cháu đạt nhu cầu về canxi, 4% đạt nhu cầu về sắt...
Theo BS Tuyết Mai, thiếu vi chất nào cũng nguy hại với trẻ, ví dụ như thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, thần kinh, miễn dịch của trẻ, thiếu kẽm nghiêm trọng sẽ dẫn đến những biểu hiện bất thường ở da và niêm mạc của trẻ. Trẻ thiếu máu liên quan tới thiếu sắt, và thiếu sắt còn ảnh hưởng đến miễn dịch và tăng trưởng chiều cao của các cháu. Trẻ thiếu canxi thì ảnh hưởng đến cấu tạo của xương, răng, chiều cao, dẫn truyền thần kinh...
"Thiếu vi chất nào cũng mệt, mỗi vitamin, khoáng chất đều có vai trò riêng" - bà Mai nói.
Không tùy tiện bổ sung
"Mốt" của các bà mẹ thành phố hiện nay là bổ sung vi chất cho con từ giai đoạn bào thai. Mẹ mang thai sẽ được bổ sung nhiều thực phẩm chức năng chống nghén, chống nôn trớ, kháng thể, còn em bé vừa ra đời bên cạnh bú mẹ cũng được các nhãn hàng "khuyên" dùng thêm nhiều loại vi chất. Điều này trái ngược với hướng dẫn của các bác sĩ là trong 6 tháng đầu đời trẻ chỉ cần bú mẹ hoàn toàn là đủ nhu cầu dinh dưỡng, không cần bổ sung kể cả nước lọc.
Theo bà Mai, nếu cha mẹ bổ sung vitamin không tuân theo chỉ định của bác sĩ, có những vitamin tan trong nước và đào thải ra ngoài, việc này chỉ làm "lủng túi" bố mẹ nhưng không để lại hiệu quả về sức khỏe của trẻ. Nhưng nếu vitamin bị thừa là loại tan trong mỡ thì nó không đào thải mà cứ tồn dư trong cơ thể và lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.
Vì vậy cha mẹ cần định lượng nhu cầu dinh dưỡng và các vi chất qua bữa ăn hằng ngày của trẻ. Trường hợp bữa ăn hằng ngày không cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng, cha mẹ có thể hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung đúng và đủ cho trẻ, hoàn toàn không nên tùy tiện mua vitamin các loại cho trẻ dùng chỉ vì cha mẹ cho rằng dùng vitamin chỉ có tốt, kể cả thừa cũng tốt.
Nếu bổ sung vitamin cho trẻ là chế phẩm có hàm lượng thấp thì chưa đáng ngại, nhưng hoàn toàn không nên bổ sung vitamin hàm lượng cao như hàm lượng của thuốc hoặc gần bằng thuốc, do cha mẹ chưa biết con có thiếu hay thừa vitamin. Bà Mai cũng khuyên trước khi bổ sung vitamin cho con, rất nên định lượng nhu cầu qua bữa ăn hằng ngày và hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng, hoàn toàn không nên bổ sung riêng một vitamin cụ thể nào đó cho trẻ.
Các nhà dinh dưỡng khuyến cáo bổ sung vi chất tốt nhất là bổ sung qua thực phẩm.
Còn với vitamin K, loại vitamin đang gây xôn xao gần đây vì tình trạng nghiêm trọng của những đứa trẻ thiếu vitamin K, Bộ Y tế cũng vừa có yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc tiêm vitamin K cho trẻ sau sinh, với liều riêng cho trẻ có trọng lượng sơ sinh trên 1,5kg và trẻ nặng dưới 1,5kg khi sinh.
Theo: tuoitre.vn