Tháng 11-2017 vừa qua, BHXH Việt Nam đã gửi công văn đến các cơ sở y tế tư nhân và các cơ quan ban ngành liên quan thông báo về việc các cơ sở y tế tư nhân chưa được phân tuyến về mặt kỹ thuật sẽ không được KCB bằng BHYT từ ngày 1-1-2018. Các cơ sở y tế ngoài công lập đã lo ngại khi thông báo này đồng nghĩa với việc các cơ sở y tế tư nhân sẽ bị dừng hợp đồng KCB BHYT, tức là hàng trăm bệnh viện tư nhân trên cả nước sẽ có nguy cơ phải đóng cửa vì không có bệnh nhân.
Trước những băn khoăn này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam vừa thống nhất quan điểm về việc ký hợp đồng KCB BHYT đối với các bệnh viện tư nhân từ 1-1-2018.
Ông Vũ Xuân Bằng, đại diện BHXH Việt Nam khẳng định, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục ký hợp đồng với các cơ sở y tế tư nhân đã ký hợp đồng để tránh xáo trộn, đồng thời để các cơ sở y tế có thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính đăng ký KCB BHYT.
Hiện nay, có gần 500 cơ sở tư nhân đã ký hợp đồng KCB BHYT, trong đó, một số cơ sở đã được phân tuyến chuyên môn kỹ thuật tương đương tuyến huyện, tỉnh. Tất cả các bệnh viện tư nhân hiện nay chưa được phân hạng như bệnh viện công. Tuy nhiên, thời gian gia hạn ký hợp đồng với các bệnh viện tư nhân trong năm 2018 có thể sẽ kéo dài 6 tháng hoặc 1 năm, nhằm để các cơ sở y tế hoàn thành hồ sơ theo Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC (về hướng dẫn thực hiện BHYT) để được ký tiếp hợp đồng KCB BHYT.
Riêng về vấn đề phân hạng bệnh viện tư nhân, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo và sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn để tạo điều kiện cho hệ thống y tế tư nhân hoạt động.
Theo thống kê của Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), hiện có 212 bệnh viện tư nhân đang hoạt động tại 46/63 tỉnh, thành phố, chiếm 16% số lượng bệnh viện trong toàn quốc.
Nguồn nhandan.com.vn