Kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm trong vụ hàng loạt cháu bé mắc sùi mào gà
Cập nhật ngày: 27-07-2017
 
NDĐT- PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, cần phải có đủ "chứng, lý" thì mới có thể đưa ra kết luận vụ việc hàng loạt bé trai mắc sùi mào gà tại Hưng Yên. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo Bộ Y tế là kiên quyết không “dung túng cho những sai phạm”.
 


PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

Liên quan đến vụ hơn 70 cháu bé tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên bị mắc bệnh sùi mào gà do có can thiệp y tế điều trị hẹp bao quy đầu ở một phòng khám tư của bà Hoàng Thị Hiền, ngày 24-7, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cùng các chuyên gia đến từ Bệnh viện Da liễu Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã họp xác định nguyên nhân.

Hội đồng chuyên môn thống nhất giao Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên phối hợp Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu điều tra dịch tễ học bệnh sùi mào gà tại 25 xã thuộc huyện Khoái Châu. Khi có kết quả điều tra dịch tễ, Hội đồng chuyên môn sẽ cùng các chuyên gia xác định nguyên nhân, tìm phương hướng xử lý.

Với quan điểm chỉ đạo rất sát sao, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, ngay sau khi được báo cáo về sự bất thường này, Bộ Y tế đã chỉ đạo cho Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các cơ quan chức năng như Bệnh viện Da liễu T.Ư, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và các chuyên gia đầu ngành phối hợp hết sức chặt chẽ với Sở Y tế Hưng Yên điều tra dịch tễ về hiện tượng y tế công cộng làm hàng chục trẻ sùi mào gà ở Khoái Châu và đặc biệt quan tâm tới tất cả người bệnh.

Theo đó, Cục đã chỉ đạo cho Bệnh viện Da liễu T.Ư xuống Hưng Yên giúp về mặt chuyên môn để sớm tìm được nguyên nhân. Đồng thời, Bệnh viện Da liễu T.Ư cũng được chỉ đạo tạo mọi nguồn lực, tiến hành điều trị miễn phí cho các bệnh nhi mắc sùi mào gà tại Khoái Châu, Hưng Yên.

Đánh giá cao công tác phối hợp và điều trị của BV Da liễu T.Ư, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết, BV đã rất nỗ lực hỗ trợ về mặt chuyên môn cho Sở Y tế Hưng Yên, tìm hiểu tất cả người bệnh ở Hưng Yên để có thể điều trị kịp thời cho các cháu. Ngoài việc tiến hành khám, sàng lọc tại địa phương, các trường hợp nặng đều được chuyển tuyến lên Bệnh viện Da liễu T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư và các bệnh viện chuyên khoa.

“Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Da liễu T.Ư phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ và các bệnh viện liên quan tổ chức đánh giá một cách toàn diện về mặt khoa học, dịch tễ và các mặt cận lâm sàng. Chúng tôi sẽ xem xét về nguồn lây ở khu vực Khoái Châu, Hưng Yên; kiểm tra, xét nghiệm những người trong gia đình các cháu mắc bệnh; kiểm tra đối với bản thân y sĩ Hoàng Thị Hiền; kiểm tra những dụng cụ hành nghề, cũng như các yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới trong việc lây truyền căn bệnh này” – Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là cơ quan chuyên điều tra dịch tễ sẽ làm đầu mối cho quá trình điều tra này. Việc điều tra sẽ làm rõ tại sao lại có nhiều trẻ đi xử lý chít hẹp bao quy đầu như vậy? Nguồn lây khiến trẻ nhiễm sùi mào gà từ đâu? Các cơ chế lây nhiễm ra sao? Việc giúp đỡ, điều trị bệnh nhi bị sùi mào gà để các em không bị ảnh hưởng về sức khỏe sau này sẽ thực hiện thế nào?

“Việc điều tra dịch tễ còn phải phụ thuộc vào diễn biến thực tế, nên chúng tôi sẽ cố gắng trong thời gian nhanh nhất có kết quả để công bố với công luận” - Cục trưởng Y tế Dự phòng nói.

Về hướng xử lý tiếp theo đối với y sĩ Hiền, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết: "Về khía cạnh cơ quan chuyên môn, đối với cán bộ y tế, chúng ta phải thực sự nhìn nhận nghiêm túc những vi phạm về chuyên môn của cán bộ y tế. Tôi cho rằng phải nhìn vào nhiều khía cạnh như việc thực hiện đúng chuyên môn hay không; thực hiện các chỉ định trong hay vượt quá phạm vi của mình; đặc biệt là trong quản lý, cấp phép cũng như việc thực thi của người thầy thuốc".

Trong khi chờ đợi kết quả điều tra dịch tễ học trên 25 xã tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên, Sở Y tế Hưng Yên đã đình chỉ hoạt động phòng khám của y sĩ Hiền; đình chỉ công tác của y sĩ Hiền; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên vào cuộc để sớm có những biện pháp hành chính và biện pháp chuyên môn đối với vụ việc này.

"Chúng tôi phải căn cứ vào Luật khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ vào các báo cáo, lời khai; xem xét cụ thể các hoạt động tại phòng khám của y sĩ Hoàng Thị Hiền và cần có sự phối hợp làm rõ của ngành y tế, cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan liên quan để khi có đủ "chứng, lý" mới có thể đưa ra kết luận. Chắc chắn, Bộ Y tế không dung túng cho những sai phạm này" – ông Lương Ngọc Khuê khẳng định.

Hiện nay, Bộ Y tế chỉ đạo rất cụ thể với hai bệnh viện tuyến trên trong công tác phối hợp để truyền thông cho người dân. Theo đó, Bệnh viện Da liễu T.Ư được giao trách nhiệm tuyên truyền để người dân hiểu thêm về căn bệnh sùi mào gà, về triệu chứng bệnh, cách phòng ngừa... Bộ giao cho Bệnh viện Nhi T.Ư tuyên truyền về vấn đề chít hẹp bao quy đầu ở trẻ em như khi nào cần phải đưa đến cơ sở y tế; gia đình nên phối hợp với cơ sở y tế như thế nào trong điều trị bệnh...

Cục trưởng Y tế dự phòng khuyến cáo người dân khi đi khám bệnh sùi mào gà nói riêng và khám bệnh nói chung, phải chọn cơ sở y tế bảo đảm chất lượng, uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, thanh kiểm tra các cơ sở y tế, không để tiếp tục xảy ra tình trạng như ở Khoái Châu khi đi khám, chữa bệnh theo kiểu “truyền mồm” tại phòng khám chưa được cấp phép.

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết, hiện Sở Y tế Hưng Yên đã mời chuyên gia xây dựng bộ câu hỏi điều tra cộng đồng. Bệnh viện sẽ dựa vào mẫu bệnh phẩm đang lưu để kiểm tra về vi rút và giá trị gen, từ đó làm căn cứ xác định nguyên nhân gây sùi mào gà xem có phải từ một nguồn lây.

Nguồn nhandan.com.vn