Nỗi lo... bạo lực!
Cập nhật ngày: 27-07-2017
 
Lại có thêm một nhân viên y tế bị hành hung khi đang cấp cứu cho người bệnh, đó là bác sĩ Nguyễn Văn Long, công tác tại Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tháng trước, sự việc tương tự cũng xảy ra tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam.
 

Đáng chú ý, những thông tin về nạn bạo hành y tế được dư luận biết tới mới chỉ là một phần thực tế. Nhiều vụ việc được coi là “nhẹ” như: người nhà xúc phạm, mắng chửi nhân viên y tế, lấy số đông gây áp lực, dùng lời nói đe dọa... đã được bác sĩ bỏ qua, hoặc nhẫn nhịn chịu đựng. Những người thầy thuốc không chỉ chịu áp lực lớn trong việc khám, chữa bệnh mà hằng ngày, hằng giờ còn phải đối mặt với căng thẳng và sự đe dọa.

Một bác sĩ có hàng chục năm công tác tại khoa cấp cứu ở một bệnh viện đầu ngành khẳng định, nhân viên y tế sẽ phục vụ người bệnh tận tình và vô điều kiện nếu danh dự người thầy thuốc được tôn trọng, thân thể không bị hành hạ. Ngành y là ngành cung cấp dịch vụ đặc biệt, người được hưởng dịch vụ không thể dùng tiền để đòi hỏi vô lý hay bạo lực để uy hiếp hay tiến công khi không thỏa mãn.

Một hành khách mắng chửi tiếp viên hàng không có thể bị cấm bay; người xâm hại máy quay của đài truyền hình có thể bị khởi tố... Nhưng trong ngành y, chưa vụ việc hành hung, đe dọa nào được xử nghiêm, trong khi đó, nhân viên y tế không được từ chối khám, chữa bệnh cho người bệnh. Do vậy, có ý kiến cho rằng cần phải có những quy định chặt chẽ để ngăn chặn các hành vi chửi bới, lăng mạ, hành hung nhân viên y tế.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đã đồng ý sửa đổi, bổ sung tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chữa bệnh cho mình” vào Điều 134 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc từng bước ngăn chặn các hành vi hành hung nhân viên y tế.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, bản thân ngành y tế cần thay đổi cách tiếp cận vấn nạn bạo hành y tế. Mỗi nhân viên y tế cần không ngừng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh; thực hiện cải tiến quy trình khám, chữa bệnh… trên tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm, thì những mâu thuẫn dẫn đến xung đột sẽ giảm đến mức thấp nhất. Mặt khác, các hội nghề nghiệp cũng cần được thành lập sớm để bảo vệ thầy thuốc, không thể giao hết trách nhiệm cho chính quyền, hay cơ quan liên quan khác.

Nguồn nhandan.com.vn