
Phun thuốc khống chế các ổ dịch sốt xuất huyết.
Khống chế những ổ dịch lớn
Khu vực chung quanh chợ Quảng Ngãi, cách đây hơn một tuần liên tiếp phát hiện 46 ca dương tính với sốt xuất huyết, trong đó có tới 18 trường hợp là tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại chợ. Qua kiểm tra thực tế tại khu vực này cho thấy, hệ thống cống thoát nước có mật độ bọ gậy rất cao. Bên cạnh đó, nền chợ do không được thi công đúng chuẩn nên đã phát sinh hiện tượng đọng nước, tạo ra nơi sinh sản và phát triển của bọ gậy muỗi vằn. Đây là điều kiện lý tưởng để dịch bùng phát, gây hại cho những người buôn bán và sinh sống lân cận chợ.
Ngay khi ổ dịch lớn được phát hiện, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp UBND thành phố Quảng Ngãi, Ban Quản lý chợ nhanh chóng thực hiện các biện pháp dập dịch song song với việc tổ chức phun nhiều đợt hóa chất Permethrin 50ec trong và quanh khu vực chợ để diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy - tác nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết. Do đặc tính thiết kế phức tạp của hệ thống cống thoát nước tại chợ nên nhớt xả được sử dụng để tạo một lớp màng phủ lên mặt nước nhằm không cho lăng quăng phát triển, các vị trí đọng nước trên nền chợ được khơi thông, vệ sinh tổng quát khu vực quanh chợ. Sau khi tiến hành khống chế thành công, ổ dịch này được theo dõi chặt chẽ.
Chỉ trong vòng vài ngày, trên địa bàn xã Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa) liên tiếp phát hiện năm trường hợp dương tính với sốt xuất huyết. Ngay khi trên địa bàn xuất hiện một ổ dịch lớn có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, các phương án khống chế không cho bệnh lây lan đã được triển khai kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, sau khi tiến hành phun hóa chất tiêu diệt muỗi, tổ chức khoanh vùng, cách ly và theo dõi các trường hợp trong vùng dịch, đồng thời tổ chức tổng vệ sinh môi trường quanh khu vực phát hiện ổ dịch, tình hình đã cơ bản được kiểm soát. Trên địa bàn không phát hiện ca bệnh mới, những ca bệnh cũ đều đã được điều trị và xuất viện trở về nhà.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 12/14 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận có trường hợp dương tính với sốt xuất huyết với tổng số 504 ca. Các địa phương phát hiện nhiều ca bệnh gồm: TP Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Đức Phổ. Trong đó, TP Quảng Ngãi là nơi ghi nhận nhiều ổ dịch nhất khi có tới 50 trong tổng số 61 ổ dịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Trước những diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Ngãi đã xuất cấp tổng cộng gần 500 lít hóa chất Permethrin, hantox, Deltamethrin cho các địa phương để triển khai các phương án khống chế không để dịch tiếp tục phát triển. Các chiến dịch phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường, khơi thông các điểm nước tù, nước đọng để tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy cũng được triển khai nhanh chóng.
Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Sở đã chỉ đạo tất cả các Trung tâm Y tế Dự phòng 14 huyện, thành phố tập trung triển khai các phương án nhằm khống chế, không để dịch lây lan ra cộng đồng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng

Hướng dẫn người dân phòng bệnh sốt xuất huyết.
Xác định khâu quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết là nâng cao ý thức của cộng đồng về bệnh, trang bị cho người dân những kiến thức và kỹ năng phòng chống bệnh cần thiết, nên công tác tuyên truyền sâu rộng được triển khai đồng bộ. Cán bộ y tế được phân công chịu trách nhiệm trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh. Cùng với đó, Trung tâm Y tế Dự phòng Quảng Ngãi cùng với Trung tâm Y tế Dự phòng các huyện, thành phố sử dụng các kênh truyền thông như: loa phóng thanh, tờ rơi, xe lưu động, băng rôn… để tuyên truyền đến người dân.
Chị Phạm Thị Lan - tiểu thương kinh doanh mặc hàng rau quả tại chợ Quảng Ngãi cho rằng, công tác vệ sinh môi trường là quan trọng nhất để hạn chế dịch sốt xuất huyết. Do đó, hơn một tuần nay, khu chợ mới luôn được làm vệ sinh như: tháo những ổ nước đọng, quyét dọn kỹ khu vực chung quanh sạp hàng thực phẩm, rau quả sau mỗi buổi chợ…
Ông Huỳnh Hữu Hổ, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành, điều kiện lý tưởng để bệnh bùng phát thành dịch là trời có mưa dông, nước đọng tạo điều kiện cho lăng quăng, bọ gậy sinh sôi và phát triển. Thông thường thời điểm bệnh diễn biến phức tạp nhất là vào tháng 8 và tháng 9 hằng năm. Tuy nhiên, năm nay mới chỉ đầu mùa nhưng đã có những biểu hiện bất thường, người dân cần nâng cao cảnh giác phòng tránh bệnh. “Hơn ai hết mỗi người dân không được chủ quan với loại bệnh này mà nên tự mình phòng tránh bằng các biện pháp như: Làm sạch vệ sinh môi trường chung quanh khu vực chợ, trường học, nhà ở, với biện pháp lật úp chai lọ, chum vại có khả năng chứa nước mưa lâu ngày, thả cá cảnh vào những vật dụng chứa nước, đi ngủ mắc màn thường xuyên…” - ông Hổ khuyến cáo.
Nguồn nhandan.com.vn