
Làm xét nghiệm tại Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chỉ đầu tư các hạng mục dễ thu hồi vốn
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong giai đoạn 2011-2016, thành phố đã đầu tư mua sắm trang, thiết bị y tế để phục vụ khám, chữa bệnh với tổng kinh phí hơn 1.140 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 261 tỷ đồng thu hút từ 43 đề án xã hội hóa, theo Thông tư số 15/TT-BYT ngày 12-12-2007 của Bộ Y tế tại 17 bệnh viện. Tuy nhiên, tại Hà Nội, công tác này chưa đạt yêu cầu, chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, nhất là đối với các bệnh viện tuyến quận, huyện, việc kêu gọi xã hội hóa còn không ít bất cập.
Tại Bệnh viện đa khoa Hà Ðông, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, 5 năm gần đây, đơn vị đã được đầu tư 111 thiết bị y tế với tổng kinh phí hơn 79,245 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp 41,8 tỷ đồng, nguồn kinh phí dự án 30,1 tỷ đồng và nguồn kinh phí xã hội hóa là 7,2 tỷ đồng. Giám đốc Bệnh viện Ðào Thiện Tiến cho biết: Nếu chiểu theo chuẩn danh mục kỹ thuật dịch vụ y tế đi kèm các thiết bị y tế
của một bệnh viện hạng 1, thì số lượng trang, thiết bị của Bệnh viện đa khoa Hà Ðông còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng phát triển các kỹ thuật y tế mới. Trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, đòi hỏi đơn vị phải phát triển thêm nhiều kỹ thuật thuộc lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa… song việc kêu gọi xã hội hóa lại rất khó khăn. Các doanh nghiệp thường chỉ ưu tiên đầu tư thiết bị thuộc các lĩnh vực dễ thu lợi nhuận, như: siêu âm, chụp X-quang, cộng hưởng từ...
Ở các bệnh viện tuyến huyện, tình hình còn kém khả quan hơn. Tại Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ, toàn bộ kinh phí hơn 25 tỷ đồng mua trang, thiết bị y tế của bệnh viện 5 năm gần đây đều từ tiền ngân sách và nguồn thu sự nghiệp, không thu hút được nguồn xã hội hóa. Là bệnh viện hạng 3 với 18 khoa, phòng, hơn 300 giường bệnh, khó khăn lớn nhất của đơn vị là số lượng trang, thiết bị y tế còn thiếu, không đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng, trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách có hạn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đánh giá: Việc thực hiện xã hội hóa trong công tác mua sắm, quản lý, sử dụng trang, thiết bị y tế trên địa bàn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Ðến thời điểm hiện tại, các lĩnh vực dễ thu hút xã hội hóa như siêu âm, X-quang, xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh thì các đơn vị đều đã làm. Việc thu hút xã hội hóa trong đầu tư trang, thiết bị cho một số chuyên khoa, ngành mũi nhọn, các thiết bị điều trị chuyên sâu trong hồi sức, chống nhiễm khuẩn... thì doanh nghiệp không mặn mà, bởi đầu tư cao nhưng lâu thu hồi được vốn. Ðáng chú ý, tại các bệnh viện hạng 2, hạng 3 và các trung tâm y tế cấp huyện hầu như chưa huy động được nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư mua sắm trang, thiết bị. Thực trạng này khiến người dân không tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến cơ sở, mà tìm đến các bệnh viện T.Ư hoặc các bệnh viện tuyến đầu của thành phố, dẫn đến tình trạng quá tải ở tuyến trên.
Cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm
Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, một trong những vấn đề khó khăn khi thu hút nguồn vốn xã hội hóa là cơ cấu giá dịch vụ liên doanh, liên kết còn nhiều bất cập, chưa tính cụ thể khấu hao tài sản cố định, trong khi đó giá trị khấu hao tài sản chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hình thành giá dịch vụ. Mặt khác, liên ngành y tế - tài chính - kế hoạch và đầu tư chưa kịp nhân rộng cơ chế thí điểm hỗ trợ lãi suất cho bệnh viện vay vốn đầu tư mua sắm thiết bị y tế. Thí dụ, tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, đơn vị đã mạnh dạn tiến hành xã hội hóa đối với hệ thống máy lọc thận và máy chụp CT. Tuy nhiên, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Quốc Hùng băn khoăn lo ngại khi hằng tháng viện phải trả 75 triệu đồng là tiền lãi vay đầu tư, trong khi vẫn phải duy trì giá lọc thận như giá bảo hiểm y tế quy định là 544.000 đồng.
Một vấn đề nữa, là nhận thức của một số nhà quản lý, lãnh đạo bệnh viện còn tâm lý dựa vào ngân sách nhà nước, chưa thật sự đổi mới, chủ động tự chủ tài chính, mạnh dạn đầu tư, đẩy mạnh công tác xã hội hóa gắn với lộ trình thực hiện Nghị định số 85/2012/NÐ-CP ngày 15-10-2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; Nghị định số 16/2015/NÐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, đang xảy ra tình trạng các bệnh viện kêu gọi đầu tư xã hội hóa các thiết bị đại trà, mà chưa tìm được lĩnh vực mũi nhọn, thế mạnh của đơn vị.
Ðể khắc phục tình trạng này, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố Phạm Thị Thanh Mai đề nghị: Thời gian tới, UBND thành phố chỉ đạo Sở Y tế, các cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa mua sắm trang, thiết bị y tế theo Nghị quyết 93/NQ-CP và cần có cơ chế đầu tư đặc thù đối với bệnh viện đầu ngành, bệnh viện hạng 3, trạm y tế các xã - những nơi khó thực hiện xã hội hóa. Sở Y tế Hà Nội rà soát lại các danh mục, đánh giá lại các dịch vụ y tế, từ đó tham mưu thành phố đầu tư theo hướng chuyên sâu, thực hiện công tác xã hội hóa gắn với thế mạnh chuyên môn của từng đơn vị, gắn với giá và lộ trình tự chủ. Ðặc biệt, cần quan tâm thực hiện quy trình mua sắm, quản lý, sử dụng trang, thiết bị y tế có nguồn vốn xã hội hóa, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, hài hòa quyền lợi của người dân, của bệnh viện và nhà đầu tư.
Xã hội hóa trong lĩnh vực y tế nói chung và đầu tư trang, thiết bị y tế nói riêng giúp các bệnh viện công lập nâng cấp trang, thiết bị, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Ðể thu hút hơn nữa sự đầu tư của xã hội vào lĩnh vực này, ngoài việc xây dựng kế hoạch tổng thể, rất cần sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của từng đơn vị, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Cũng có ý kiến đề xuất, trong khi việc kêu gọi xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, thì nên chăng, các bệnh viện có thể chủ động vay ngân hàng, khi đó thay vì chia lợi nhuận với doanh nghiệp thì bệnh viện trả lãi suất cho ngân hàng, để kịp thời bảo đảm nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Nguồn nhandan.com.vn