Đó là sự cạnh tranh
Cập nhật ngày: 18-02-2016
 
Sự cạnh tranh giữa các bệnh viện sẽ là điều tất yếu, sau khi hàng loạt thay đổi về cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức, hoạt động của bệnh viện đang được ngành y tế rốt ráo triển khai. Đó là việc thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế; điều chỉnh giá dịch vụ y tế; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm… Nhưng đây là cuộc cạnh tranh để cùng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và cuối cùng người bệnh chính là người được thụ hưởng.
 

Cơ chế vận hành của các bệnh viện sẽ được điều chỉnh theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; một số bệnh viện sẽ thực hiện cổ phần hóa… thì sự cạnh tranh sẽ càng tăng. Từ năm 2016, ngành y tế sẽ công bố chất lượng của tất cả bệnh viện trong cả nước, đó là cơ sở để người bệnh lựa chọn cơ sở KCB; đồng thời là dịp giúp các bệnh viện nhìn nhận lại chính mình để có biện pháp điều chỉnh, ưu tiên nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn. Một số ý kiến cho rằng trong thời gian tới, không phải bệnh viện nào cũng tồn tại, mà sẽ có “kẻ thắng, người thua”.

Để tồn tại trong cuộc cạnh tranh đó, các bệnh viện cần có sự đầu tư một cách tổng thể từ hạ tầng và thiết bị máy móc đến đội ngũ nhân lực. Đầu tư và các yếu tố đó nhằm đạt được ba khâu quan trọng nhất đối với các bệnh viện hiện nay là: chất lượng ngày càng nâng cao; dịch vụ đầy đủ, đáp ứng nhu cầu người bệnh; chi phí hợp lý. Đó là ba yếu tố cần thiết để cạnh tranh. Một thực tế cần thay đổi là có bệnh viện lại tập trung nhiều sự chú ý đến vấn đề chi phí, đưa yếu tố này lên hàng đầu, còn yếu tố chất lượng xếp sau. Khi chi phí đi ngược hướng với chất lượng thì hiệu quả điều trị sẽ kém đi… cho nên người bệnh lại vượt lên tuyến trên. Sự cạnh tranh giữa các bệnh viện hiện nay đang xoay quanh vấn đề chất lượng đội ngũ nhân viên y tế. Phần lớn các bệnh viện tuyến dưới hiện đang thiếu đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt, có kinh nghiệm. Nhưng việc tuyển dụng được các bác sĩ dày dạn kinh nghiệm luôn là trở ngại rất lớn đối với các bệnh viện tuyến dưới.`

Đáng chú ý, bắt đầu từ 1-1-2016, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được quyền KCB tại bất cứ cơ sở y tế nào, từ tuyến huyện trở xuống trong cùng một tỉnh, thành phố mà không cần giấy chuyển viện. Việc thông tuyến đối với các bệnh viện tuyến sau cũng sẽ được dần áp dụng theo lộ trình. Thông tuyến các cơ sở KCB như vậy giúp nâng cao quyền được lựa chọn của người bệnh, thay vì bắt buộc phải đến nơi đăng ký BHYT ban đầu như trước đây. Việc thông tuyến KCB BHYT nhằm tạo điều kiện cao nhất cho người tham gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đồng thời là yếu tố thúc đẩy các bệnh viện, các phòng khám cùng hạng trên địa bàn tỉnh tăng cường chất lượng dịch vụ. Các bệnh viện nếu không thay đổi, không nâng cao chất lượng thì người bệnh BHYT sẽ chuyển sang khám ở bệnh viện khác, không còn chịu bất cứ một rào cản về thủ tục nào như trước. Khi bệnh viện có chất lượng tốt sẽ đông người bệnh và ngược lại bệnh viện nào năng lực còn yếu sẽ vắng người bệnh. Đó cũng là động lực để các bệnh viện “chạy đua” nâng cao chất lượng KCB.

Nguồn nhandan.com.vn