Bộ trưởng Y tế: Cần xử lý nghiêm đối tượng hành hung cán bộ y tế
Cập nhật ngày: 18-04-2018
 
NDĐT – Chia sẻ với báo chí chiều 17-4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, thời gian qua rất nhiều giải pháp đã được ngành đưa ra cùng với đó là sự vào cuộc của cơ quan công an, song vấn nạn bạo hành nhân viên y tế không những không giảm mà có xu hướng phức tạp hơn, gây tâm trạng bất an cho đội ngũ nhân viên y tế.
 


Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Tháng 4 mới đi qua được nửa tháng, đã có ba vụ bạo hành cán bộ y tế xảy ra trên cả nước. Ngày 3-4, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn, trong lúc vợ đang được điều trị thì chồng bệnh nhân đã lao vào đánh bác sĩ Hoàng Thị Huế và điều dưỡng viên Hà Thị Hảo của khoa Nội tổng hợp. Ngày 8-4, một ông bố khi đưa con đi cấp cứu tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã lao vào đánh bác sĩ Nguyễn Đình Phi và thực tập sinh Trần Nhật Giáp khiến thực tập sinh ngất xỉu. Ngay giữa Thủ đô, ngày 13-4, một người đàn ông lao vào đấm bác sĩ khi bác sĩ mới đang thăm khám tại Bệnh viện Xanh Pôn.

Đội ngũ nhân viên y tế ngày càng hoang mang khi liên tiếp có những vụ bạo hành xảy ra, từ bệnh viện hạng 3 đến bệnh viện hạng 1, từ tỉnh nghèo Bắc Cạn, Hà Tĩnh đến thủ đô Hà Nội.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua Bộ Y tế, Bộ Công an đã ký kết quy chế phối hợp và trên thực tế sự phối hợp giữa Sở Y tế, Công an tỉnh tại nhiều địa phương đã được thực hiện tốt, nhưng vẫn còn có nơi chưa thực sự chặt chẽ khiến cho hiệu quả chưa được cao.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các cấp vào cuộc một cách quyết liệt để đồng hành, bảo vệ và hỗ trợ ngành y tế và cán bộ y tế để họ không đơn độc trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình khi đang làm nhiệm vụ.

Bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn bị người nhà đấm vào mặt.

Bộ trưởng cũng cho rằng, dù ngành y tế đã có nhiều văn bản, có kí kết với Bộ Công an, nhưng hiện tượng bác sĩ bị hành hung vẫn tiếp tục gia tăng, lan rộng. Do vậy Bộ Y tế đề nghị lực lượng công an vào cuộc, cắm chốt tại bệnh viện lớn, những điểm nóng dễ nảy sinh bạo hành.

“Trong việc chống bác sĩ bị hành hung, lực lượng bảo vệ trong bệnh viện gần như khó tác dụng cao, công an phường không đến kịp được. Chỉ khi có công an cắm chốt tại bệnh viện, ở những điểm nóng liên quan đến cấp cứu, điều trị mới có thể ngăn chặn hiệu quả hiện tượng hành hung bác sĩ”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Y tế cho biết, thời gian tới ngành y tế và ngành công an sẽ có những ký kết phối hợp, lập đường dây nóng để nhân viên y tế có thể gọi bất cứ lúc nào khi có sự cố xảy ra trong bệnh viện để kịp thời xử lý. “Các bệnh viện cũng phối hợp với ngành công an, lắp đặt hệ thống camera để quan sát, theo dõi những hành vi mà các đối tượng gây ra với cán bộ y tế”, Bộ trưởng nói.

Ngành y tế hiện nay vẫn đang tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh toàn diện, đổi mới quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện nhằm thực hiện tốt các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, tăng sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh bảo hiểm y tế khi đến khám tại bệnh viện.

Do đó, Bộ trưởng nói, dù trong hoàn cảnh nào, nếu hành hung người đang thi hành công vụ, đang chăm sóc sức khỏe cho mình, cho người nhà của mình cần phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật như vụ hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Thạch Thất, người hành hung đã bị phạt chín tháng tù giam. “Hành hung cán bộ y tế đang thi hành công vụ là vi phạm nghiêm trọng Luật Hình sự đã sửa đổi năm 2017”, Bộ trưởng chia sẻ.

Nguồn nhandan.com.vn