Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức Unicef ký cam kết thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam.
Đây là những thông tin được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Lễ phát động Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu (The SUN) và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới diễn ra sáng nay, 31-1 tại Hà Nội. Lễ phát động có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; bà Gerda Verbug, trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc, điều phối viên Chương trình Dinh dưỡng toàn cầu (The SUN) và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn cao
Theo Bộ trưởng Y tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho nhân dân. Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đã đạt được mức giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em gần với mục tiêu Thiên niên kỷ.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức và chưa đạt được một số chỉ tiêu đã đề ra. Trong đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả nước mỗi năm chỉ giảm được 1%; hiện vẫn còn ở mức cao chiếm 24,6% năm 2015 và có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng miền. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi phía bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện như mong đợi. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, thiếu máu là 27,8% và thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao tới 69,4%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%.
Tình trạng thừa cân - béo phì, rối loạn chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh ở cả trẻ em và người trưởng thành, đặc biệt là ở khu vực thành thị và các thành phố lớn. Năm 2015, tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em trên toàn quốc là 5,3%, đặc biệt tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh đã tăng gấp ba lần trong hơn 10 năm qua từ 3,7% lên 11,5%; tỷ lệ này ở học sinh phổ thông cũng tăng gấp đôi từ 11,6% lên 21,9%.
Hiện tại, nước ta có khoảng 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Theo đánh giá của các chuyên gia dinh dưỡng, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam còn hạn chế. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3cm và hiện đạt 164cm ở nam và 153 cm ở nữ, còn cách rất xa so với mục tiêu đã đặt ra.
Đưa chỉ tiêu về dinh dưỡng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm theo Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, Bộ Y tế vừa ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2020 với nhiều mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực. Theo đó, chiều cao của trẻ em trai và trẻ em gái 5 tuổi sẽ tăng từ 1,5cm-2cm so với năm 2010; Tăng chiều cao đạt được của người trưởng thành theo giới 1-1,5cm so với năm 2010.
Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi toàn quốc xuống dưới 21,5%, ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên xuống dưới 28%; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gày còm ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 5%; Giảm tỷ lệ phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu năng lượng trường diễn xuống dưới 12%; Giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (<2.500 gam) xuống dưới 8%; Tăng tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 35%.
Với mục tiêu giảm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của người dân, năm 2020, sẽ giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi có hàm lượng Vitamin A huyết thanh thấp xuống dưới 11%; Giảm tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai toàn quốc xuống dưới 23% và ở vùng miền núi xuống dưới 25,5%; Giảm tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15%; Bảo đảm tỷ lệ hộ gia đình dùng muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt trên 90%, mức trung vị I-ốt niệu của bà mẹ có con dưới 5 tuổi đạt từ 10 đến 20 mg/dl.
Khống chế tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 5% đối với vùng nông thôn và dưới 10% đối với thành phố lớn; Khống chế tỷ lệ thừa cân - béo phì ở người trưởng thành ở mức dưới 12%; Giảm mức tiêu thụ muối trung bình ở người trưởng thành xuống dưới 7 gam/người/ngày.
Để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế, tiến tới bảo đảm 100% bệnh viện tuyến trung ương, 95% bệnh viện tuyến tỉnh và 50% bệnh viện tuyến huyện có cán bộ dinh dưỡng tiết chế và thực hiện tư vấn, kê thực đơn dinh dưỡng cho điều trị một số nhóm bệnh và đối tượng đặc thù...
Để đạt được những mục tiêu này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cần phải có sự phối hợp của nhiều ban, ngành, cơ quan đoàn thể trong việc triển khai công tác dinh dưỡng; tiếp tục tăng cường truyền thông; phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng, đặc biệt là mạng lưới cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng ở tuyến cơ sở. Bộ Y tế đề nghị các địa phương đưa chỉ tiêu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đặc biệt, có hành động can thiệp dinh dưỡng đặc thù cho các nhóm đối tượng cần ưu tiên ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số...
Tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện tổ chức Unicef và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cùng ký cam kết thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng và đẩy mạnh phong trào dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam.
Nguồn nhandan.com.vn