Trẻ em nên vận động ngoài trời sẽ tăng lượng chất canxi cho cơ thể - Ảnh: CHÂU ANH
Vậy phải bổ sung canxi như thế nào để tránh bị sỏi thận?
Thừa và thiếu đều gây sỏi
PGS.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết canxi là nguyên tố có nhiều nhất trong cơ thể chúng ta, 98-99% tập trung ở xương và răng, chiếm 1/6% trọng lượng của mỗi người, khoảng 1.000-1.500g. 1% lượng canxi còn lại có vai trò rất quan trọng ở cả bên trong và bên ngoài tế bào.
Bổ sung canxi không chỉ giúp xương phát triển, chắc khỏe mà còn liên quan tới các hiện tượng co cơ, nhịp đập của tim, sự đông đặc của máu, việc tách các axit béo ra khỏi màng tế bào. Tỉ lệ canxi ở màng tế bào hay nhân tế bào có ảnh hưởng quyết định tới năng lượng của từng tế bào trong cơ thể.
Nhu cầu bổ sung canxi hằng ngày ở mọi lứa tuổi là cần thiết, đặc biệt nhiều nhóm có nhu cầu về canxi tăng cao như: trẻ sơ sinh, trẻ em độ tuổi đang lớn, phụ nữ mang thai và cho con bú... Tuy nhiên, việc bổ sung canxi không đúng có thể gây ra hệ lụy, đặc biệt liên quan đến việc hình thành sỏi trong cơ thể.
Bệnh thường gặp
PGS.TS Trần Đức, chủ nhiệm khoa phẫu thuật tiết niệu Bệnh viện trung ương Quân đội 108, cho biết sỏi thận là một bệnh rất thường gặp và khi đã bị sỏi thận, nguy cơ tái phát là 50%.
Có nhiều nguyên nhân gây sỏi thận, trong đó có yếu tố canxi. Những người không tổng hợp đủ canxi sẽ bị sỏi cao hơn những người có chế độ canxi cao.
Không phải sỏi từ canxi, mà sỏi thận phát triển khi nước tiểu có chứa nhiều chất hình thành các tinh thể như canxi, axit uric và một hợp chất muối gọi là oxalat.
Khi cơ thể không đủ canxi thì oxalat sẽ kết hợp với canxi trong đường tiêu hóa và canxi trong nước tiểu để hình thành sỏi.
Theo PGS.TS Trần Đáng, cơ thể thừa hay thiếu canxi đều không tốt cho sức khỏe, nhưng phần lớn những người có vấn đề với canxi đều là người bị thiếu.
Bình thường hằng ngày vẫn có một lượng canxi bị thải ra ngoài cơ thể theo đường tiêu hóa.
Cơ thể bị thiếu canxi thường do 2 nguyên nhân: bị suy hoặc sai dinh dưỡng, khẩu phần ăn hằng ngày không đủ canxi, thiếu vitamin D... hoặc thiếu do rối loạn biến dưỡng canxi bởi rối loạn nội tiết tố, lão hóa, do lối sống thiếu vận động... Trong trường hợp này, canxi có thể có dư trong khẩu phần ăn nhưng không được hấp thu.
Mặt khác, canxi trong hệ xương cũng có thể bị thoái biến và thải loại ra theo nước tiểu. Khi canxi bị thải loại nhiều theo đường thận, nếu thiếu vận động và uống ít nước thì rất dễ bị sỏi đường tiểu (thận, bàng quang). Thiếu canxi trong trường hợp này vẫn có thể bị sỏi đường tiểu.
Tốt nhất là bổ sung qua bữa ăn
Theo PGS.TS Trần Đức, canxi là một dưỡng chất, chẳng những là thành phần chủ yếu trong cấu tạo hệ xương mà còn là thành phần có vai trò quan trọng của hệ cơ và máu huyết... Canxi trong thực phẩm được hấp thu qua thành ruột non, vào máu và được di chuyển tới mọi tế bào. Sự hấp thu canxi còn phụ thuộc vào yếu tố quan trọng là vitamin D3, nội tiết tố tuyến cận giáp và protein tế bào ruột non.
Lượng canxi thực phẩm hay thuốc đưa vào chỉ được cơ thể hấp thu khoảng 32%, chứ không phải tất cả.
Canxi trong cơ thể dù là gắn kết ở hệ xương hay hệ cơ hoặc trong máu là yếu tố động, chứ không phải cố định. Nghĩa là canxi từ xương cũng có thể trở ra dòng máu, đến các tế bào rồi trở lại xương hoặc loại thải ra ngoài theo nước tiểu.
Nhu cầu canxi cần ăn vào hằng ngày của cơ thể được tính dựa trên số lượng canxi bị thải loại ra theo nước tiểu (cho một người lớn khoảng 800 - 1.000 mg/ngày).
PGS.TS Trần Đáng khuyến cáo những người dễ có nguy cơ bị sỏi thận nên thận trọng với các sản phẩm bổ sung canxi. Cách tốt nhất để bổ sung canxi là thông qua bữa ăn. Ăn các loại thực phẩm có canxi. Điều này giúp giảm thiểu tác dụng ngược của canxi là hình thành sỏi thận.
Thực phẩm bổ sung canxi
Có hai nguồn canxi trong thực phẩm là sữa, các sản phẩm từ sữa và cá cùng các loại rau tươi.
Theo PGS.TS Trần Đức, để tránh sỏi thận, bên cạnh việc bổ sung canxi cần uống nhiều nước. Uống nhiều nước giảm 20% nguy cơ bị sỏi thận. Trung bình lượng nước được tiêu thụ là 1,5 -2 lít mỗi ngày, trong điều kiện nắng nóng, lao động nặng cần bổ sung nhiều hơn.
Nên sử dụng nhiều các trái cây có múi như chanh, cam, bưởi... bởi trong đó có chứa một hợp chất gọi là citrate, được cho là giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh sỏi thận.
Tránh và hạn chế sử dụng các loại thực phẩm, đặc biệt là rau có chứa nhiều oxalat. Oxalat sẽ liên kết với canxi trong ruột và được thải ra khỏi cơ thể qua đường tiết niệu. Nhưng khi lượng oxalat quá cao, các hóa chất này có thể tập trung trong nước tiểu và dẫn đến hình thành sỏi.
Oxalat được tìm thấy trong các loại rau lá như đại hoàng và củ cải đường...
Theo: tuoitre.vn