Chọn sữa phải phù hợp với tuổi già
Nhu cầu về năng lượng của người cao tuổ có giảm so với lúc còn trẻ nhưng nhu cầu về các chất dinh dưỡng như đạm, canxi, các vitamin vẫn như cũ. Vì vậy, thực phẩm cho người cao tuổi phải ít chất béo nhưng giàu các chất dinh dưỡng khác như đạm, canxi... Sữa không béo là một thực phẩm có thể đáp ứng được yêu cầu cung cấp ít năng lượng nhưng nhiều đạm với giá trị sinh học cao và nhiều canxi.
Ăn kém: Những thay đổi sinh lý làm cho người cao tuổi cảm nhận mùi vị kém hơn, nhìn kém hơn, ăn không ngon miệng như trước, miệng hay bị khô, nhai kém do răng bị lung lay, bị rụng hoặc hàm răng giả không phù hợp, tiêu hóa kém. Tất cả những điều này làm cho người cao tuổi ăn kém hơn và dễ bị suy dinh dưỡng. Trong những trường hợp này, sữa sẽ là một thực phẩm giàu đạm, canxi và các vitamin dưới dạng lỏng bổ sung rất tốt những thiếu hụt dinh dưỡng do các cụ ăn không được nhiều trong các bữa ăn chính.
Loãng xương: Loãng xương là một tình trạng thường xảy ra ở người cao tuổi, nhất là đối với các cụ bà. Xương bị mất chất khoáng, trở nên xốp, giòn, dễ gãy khi có va chạm hay té ngã, nhất là ở các vị trí cổ xương đùi, cổ tay, đốt sống... Dù không có va chạm, đốt sống ở người cao tuổi có thể bị xẹp làm cho cột sống bị biến dạng, lưng bị còng, chiều cao có thể bị suy giảm đi. Để hạn chế nguy cơ loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương, các cụ nên dùng những thực phẩm giàu canxi như: sữa, nhất là sữa không béo, sữa chua, sữa đậu nành, rau lá xanh đậm như rau đay, rau dền, lá lốt, đậu nành… Ngoài ra, các cụ có thể tăng cường vận động như đi dạo, hoặc tham gia vào các nhóm tập dưỡng sinh cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ loãng xương.
Nước: Nước đặc biệt quan trọng trong chế độ ăn của người cao tuổi. Tuy nhiên, một vấn đề thường xảy ra đối với người cao tuổi là cảm giác khát nước giảm, nên dễ quên uống nước. Uống nước không đầy đủ sẽ dẫn đến tình trạng bón, sốt, huyết áp thấp, dễ bị lảo đảo, mất thăng bằng và té ngã, lẫn lộn, sâu răng. Lượng nước cần uống mỗi ngày đối với người cao tuổi ít nhất là khoảng 1,5 lít. Do ở dạng lỏng, sữa lại có ưu điểm là bổ sung lượng nước cần thiết cho các cụ. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đi tiểu đêm dễ gây mất ngủ, cần sắp xếp để các cụ uống sữa hoặc nước chủ yếu vào buổi sáng hay ban ngày.
Một số bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng
Viêm khớp: Nhức mỏi là một tình trạng thường gặp ở người cao tuổi, nhất là vào mùa mưa hay mùa lạnh. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là viêm khớp lâu ngày làm biến dạng khớp, gây trở ngại cho việc cầm nắm của các cụ. Do đó khi chọn sữa cho các cụ, chúng ta cần nhớ chọn lựa loại bao bì dễ mở để các cụ tiện sử dụng khi chợt cảm thấy đói bụng, vì trong bữa ăn chính trước đó, các cụ chỉ ăn được ít.
Bệnh tim mạch, đái tháo đường: Là những bệnh cũng thường xảy ra ở người cao tuổi. Sữa không béo sẽ là nguồn bổ sung chất đạm và canxi lý tưởng. Ngoài ra, không khí gia đình đầm ấm, con cháu hòa thuận cũng là một yếu tố hết sức quan trọng để góp phần giúp cho người cao tuổi dinh dưỡng tốt hơn.
Giá trị dinh dưỡng của sữa
Sữa là thực phẩm quan trọng đối với người cao tuổi vì là nguồn cung cấp những chất dinh dưỡng "chất lượng cao", đặc biệt là đạm và canxi. Chất đạm có trong sữa là chất đạm có giá trị sinh học cao, có tất cả các acid amin thiết yếu mà cơ thể chúng ta không tổng hợp được. Cụ thể, về giá trị của chất đạm trong sữa, 1/2 lít sữa = 100g thịt = 100g cá = 2 quả trứng = 18 - 20g đạm. Mỗi ngày, nếu cân nặng trung bình 50kg, các cụ sẽ cần khoảng 50g đạm. Nếu mỗi ngày, các cụ được uống 2 ly sữa (mỗi ly 250ml), các cụ nhận gần đủ hết các nhu cầu về acid amin thiết yếu, 73% nhu cầu về canxi và photpho.
Mỗi khi uống sữa hay bị đau bụng đi ngoài thì nên sử dụng sữa gì là tốt nhất?
Rất nhiều người Việt Nam, khi uống sữa là bị đau bụng đi ngoài, dù sữa đã được pha chế thật hợp vệ sinh. Lý do thường gặp của sự cố này là vì sau khi chúng ta được cai sữa từ thuở bé thơ, do tập quán ăn uống ít sử dụng sữa hay các thực phẩm chế biến từ sữa nên trong ruột chúng ta ít tiết ra men lactase để tiêu hóa đường lactose vốn có tự nhiên trong sữa. Nên khi phải tiếp xúc ồ ạt với một lượng lactose lớn, do không có đủ men lactase ngay, nên người lớn uống sữa dễ bị đi ngoài.
Gặp trường hợp này, các cụ có thể áp dụng nhiều biện pháp: sử dụng sữa dưới dạng sữa chua (yaourt), sử dụng các thực phẩm chế biến từ sữa như phô mai, chia lượng sữa cần uống trong ngày (1/2 lít) ra làm nhiều lần để mỗi lần chỉ uống từng ít một, sử dụng các loại sữa không lactose. Trong sữa chua, do đường lactose của sữa đã được biến thành acid lactic nên ít gây đau bụng, tiêu lỏng và hàm lượng đạm, canxi vẫn giữ nguyên như trong sữa tươi.
Người cao tuổi uống nhiều sữa có sợ bị sỏi thận?
Do khoảng 95% sỏi thận chứa canxi và photpho mà sữa và các thực phẩm chế biến từ sữa lại chứa nhiều canxi và photpho nên sữa hay bị tiếng oan là gây ra sỏi thận. Tuy nhiên cho đến nay, chưa hề có bằng chứng là những thực phẩm giàu canxi và photpho gây ra sỏi thận. Ngoài ra, trên thế giới, tại những vùng có sử dụng nhiều sữa như các nước Tây Âu, tỷ lệ sỏi thận cũng không hề cao hơn những vùng ít sử dụng sữa.
Khi chọn sữa cho người cao tuổi, chúng ta vẫn cần tôn trọng những nguyên tắc chung về vệ sinh, an toàn thực phẩm như: Sữa có nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, bao bì nguyên vẹn không bị bóp méo, rách vỡ.
Theo: tuoitre.vn