Những biến tấu từ phở khiến tín đồ sành ăn mê tít | ||||||||||||
Cập nhật ngày: 29-06-2017 | ||||||||||||
Phở được coi là món ăn đặc trưng của ẩm thực Hà Thành. Qua thời gian, bằng sự sáng tạo không ngừng, người Việt đã cho ra đời nhiều món phở với các cách chế biến khác nhau. Thực khách từ đó cũng có cơ hội cảm nhận về phở theo nhiều cách đặc biệt. | ||||||||||||
Phở cuốn Trong những biến tấu từ phở, phở cuốn có lẽ là món ăn nổi tiếng nhất. Dù nằm khuất trong khu bán đảo hồ Trúc Bạch, phố Ngũ Xã vẫn rất nổi tiếng và tấp nập thực khách ghé qua nhờ khai sinh ra món ăn đặc biệt này.
Để làm món phở cuốn, người chế biến phải dùng đến bánh phở khổ vuông tráng mỏng, bên trong cuộn thịt bò xào với rau thơm (một số nơi còn sử dụng cùng xà lách và rau mùi). Bí quyết để cho món phở cuốn ngon nhất có lẽ chính là ở khâu ướp thịt và pha chế nước chấm. Thịt phải ướp đều, dậy mùi thơm. Nước chấm phải chua dịu, ngọt thanh mát. Có như vậy thì thực khách ăn bao nhiêu cũng không ngán. Nhiều người sành ăn còn nói rằng, nếu đúng vị, phở cuốn phải ăn kèm tương ớt Hà Nội chua cay và không có vị ngọt. Sau hơn chục năm, phở cuốn đã trở thành nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Hà thành và có vị trí nhất định trong lòng thực khách bốn phương. Phở chấm Dù phở chấm được bán ở nhiều nơi, nhưng hàng phở ngon nhất và được nhiều người tìm đến nhất có lẽ là cửa hàng ở phố Lê Ngọc Hân. Món ăn vừa lạ tai, vừa lạ miệng này có thể làm xiêu lòng cả những thực khách khó tính ngay từ lần thử đầu tiên.
Một đĩa phở chấm gồm có bánh phở trắng phau thơm mùi gạo nếp, được cắt thành từng khúc ngắn rồi xếp ra đĩa vừa. Bên trên phở, người chế biến khéo léo trải dàn một lớp thịt gà, lá chanh thái nhỏ và rau mùi. Món này ăn kèm với một bát nước dùng hoặc nước mắm pha riêng theo ý người ăn. Nhưng phổ biến nhất, thực khách thường chấm phở với một bát xì dầu được pha thêm chút đường, bỏ vào vài lát ớt tươi, đơn giản mà vô cùng hợp. Chừng ấy nguyên liệu cùng hòa quyện, tạo nên một hương vị thanh thanh mà khó quên đối với những ai từng thưởng thức món ngon này. Phở chiên phồng Dù xuất hiện cùng lúc với phở cuốn nhưng phở chiên phồng không có độ “hot” bằng. Món ăn này sử dụng dầu mỡ nên thực khách không ăn được nhiều nhưng nó lại có mùi vị hấp dẫn, mời gọi.
Phở chiên phồng có cách chế biến đơn giản với bánh phở to bản chập lại với nhau, tạo thành khối dày khoảng 1cm rồi đem chiên giòn cho bánh phở phồng to. Phở chiên thường ăn cùng thịt bò xào rau cải và nước sốt. Vào những ngày đông giá rét, được thưởng thức những miếng phở chiên thơm giòn bên ngoài, dẻo dẻo bên trong, ăn kèm với thịt bò xào chín tới thì chắc chẳng còn gì tuyệt hơn. Phở gà trộn
Phở gà trộn được chế biến đơn giản từ nguyên liệu chính của món phở nước truyền thống nhưng được thay đổi một chút trong cách ăn. Một bát phở gà trộn luôn đầy ăm ắp từng miếng gà với da vàng óng ánh, xen lẫn là hành tây xắt nhỏ, hành lá, rau thơm xanh mướt bắt mắt vô cùng. Cuối cùng, người chế biến chỉ cần trộn đều các nguyên liệu với xì dầu, mỡ gà cùng một vài gia vị với công thức đặc biệt để phở ăn không hề ngấy mà vẫn dậy lên được vị ngậy của thịt gà. Các tín đồ của phở gà trộn thường tìm đến phố Hàng Mã, Mã Mây, Hàng Hòm, Lãn Ông... để có thể thưởng thức được hương vị chuẩn nhất của món ăn này. Phở chua Phở chua vốn được coi là niềm tự hào của vùng đất Lạng Sơn. Nhưng từ khi xuất hiện ở Hà Nội, món ăn này nhanh chóng tạo được cơn sốt và nhận được rất nhiều sự quan tâm, nhất là của các bạn trẻ.
Phở chua là món ăn của sắc màu: màu vàng của khoai chiên; màu nâu của thịt xá xíu, dạ dày, mực xé khô; màu đỏ hồng của lạp xường, xúc xích và màu xanh tươi mát của rau thơm. Tất cả những thứ đó trộn cùng nước sốt chua chua và mayonaise sẽ tạo nên hương vị khiến bạn khó có thể quên được. Phố Nguyễn Hữu Huân là địa điểm được nhiều thực khách tìm đến nhất để thưởng thức món phở chua đặc biệt này. Phở sốt vang Sợi phở trắng từ châu Á, miếng thịt bò nấu theo phong cách châu Âu, những tưởng hai nền ẩm thực khác biệt sẽ chẳng thể kết hợp nhưng dưới đôi bàn tay tài hoa của người nội trợ, bát phở sốt vang vẫn chiếm được cảm tình của nhiều người.
Phở quan trọng nhất là nước dùng, phải là thứ nước trong, vị thanh thanh và không được nhiều váng mỡ. Khác với thịt bò sốt vang ăn cùng bánh mỳ hơi sệt sệt, nâu đục và hơi ngậy, nước dùng cho phở sốt vang không hề béo, rất trong và có vị ngọt đậm đà của thịt bò.
Không như phở truyền thống khá phong phú với phở tái, tái chín, tái gầu,…phở sốt vang chỉ có một loại. Thế nhưng chẳng ai lấy đó làm phiền, khách vẫn gọi món và thưởng thức ngon lành. |
||||||||||||