Gỏi cá bỗng Sông Lô
Cá bỗng để chế biến món gỏi phải là cá nuôi từ 1,5 - 2 năm, trọng lượng trên 2kg, thịt chắc. Sau khi lọc thịt cá, người chế biến ngâm thịt với nước được chắt từ quả tai chua. Đặc biệt, món gỏi cá bỗng được chế biến theo cách của đồng bào địa phương rất ngon mà không cần tới thính gạo như nhiều nơi khác.
|
Gỏi cá bỗng có hương vị hấp dẫn |
Phần xương cá được băm nhỏ, rang vàng, tán mịn rồi trộn đều với lạc rang giã rối, ăn cùng những lát cá thái mỏng. Để có được một bát nước chấm gỏi cá hấp dẫn, ngoài những gia vị quen thuộc như muối rang, hành củ nướng chín, tỏi, ớt, tiêu, chanh thì hạt dổi hay hạt xẻn là một trong những gia vị không thể thiếu khi thưởng thức món đặc sản này.
Gắp một lát cá bỗng trắng phau, lăn qua chút bột mịn vàng làm từ xương cá, thêm vài hạt lạc rang đem gói cùng rau rừng, chấm với nước gia vị có đủ vị chua, cay, ngọt, bùi, bạn sẽ cảm nhận được sự hòa quyện của thịt cá, vị bùi thơm từ xương băm, vị dai giòn từ bẹ chuối non, thêm vào đó là vị chua, cay của chanh, ớt và rau rừng thấm sâu nơi đầu lưỡi rất khó quên.
Thịt lợn đen và thịt lợn muối chua
Lợn đen được bà con người dân tộc tại các xã trên địa bàn huyện Na Hang, chăn thả tự nhiên, không sử dụng tăng trọng, lợn có trọng lượng từ 40 – 55kg. Thịt lợn đen nổi tiếng với vị thịt thơm, săn chắc, khi nấu không có nước, bì giòn… Từ lợn đen, người Tuyên Quang đã chế biến thành những món ăn độc đáo như: thịt lợn nướng riềng mẻ, thịt lợn nướng ngũ vị hương, thịt lợn xào lăn…
|
Lợn đen được chăn thả tự nhiên |
Nhiều du khách đến Tuyên Quang đã bị hấp dẫn bởi món thịt lợn muối chua dân dã, mang đậm màu sắc ẩm thực của đồng bào dân tộc nơi đây. Được chế biến khá đơn giản từ lợn đen với những gia vị như lá giềng, lá quế, cơm rượu nếp, muối… Các loại gia vị trên phơi khô, giã nhỏ, cùng với rượu nếp cái ướp chung với thịt lợn đen sau đó cho vào hũ lớn, cứ mỗi lớp thịt lại rải một lớp gạo rang rồi bọc kín, để trên gác bếp, khoảng 1 – 2 tuần là dùng được.
|
Thịt lợn muối chua |
Thịt được ướp lâu năm thường săn lại, màu nhạt hơn, khi ăn có độ giòn của thịt mỡ, độ dai sần sật của bì và thịt nạc. Ăn một miếng thôi cũng đủ cảm nhận được hương vị lạ và đặc biệt của món thịt này.
Mắm cá ruộng
Món mắm cá ruộng vừa là món ăn truyền thống, vừa là một vị thuốc độc đáo của đồng bào dân tộc Tày Chiêm Hóa từ bao đời nay. Để làm ra một hũ mắm cá đòi hỏi khá công phu, phải mất 3 tháng nuôi cá ở ruộng và 10 tháng ủ men làm mắm, hương vị đặc trưng của thứ đặc sản này khiến cho ai đã từng một lần thưởng thức sẽ khó quên.
|
Mắm cá ruộng |
Mắm cá ruộng có rất nhiều cách thưởng thức. Ngoài dùng để chấm các loại thịt luộc, rau luộc, rau sống, người dân địa phương còn dùng để xào với trám om đã bỏ hột. Đặc biệt, mắm cá ruộng còn là vị thuốc giải rượu, giải độc rất tốt.
Để làm được mắm ngon, đồng bào dân tộc phải chọn loại cá chép nuôi ở ruộng. Gạo nếp được xôi lên, để nguội, trộn đều với men rượu, ủ kín. Khi xôi nếp đã lên men thơm thì trộn đều với cá, riềng, lá trầu không, lá cơm đỏ, muối cho vào hũ, cho thêm nước rồi đậy kín vài tháng. Mắm cá ruộng ngon phải có màu đỏ tía, dậy mùi thơm của cơm nếp, men rượu, riềng, lá trầu, lá cơm đỏ.
Bánh gai Chiêm Hóa
Đến huyện Chiêm Hóa, du khách sẽ không thể không nếm thử món bánh gai. Bánh gai được làm từ lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tơi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối, mỡ lợn.
|
Bánh gai Chiêm Hóa |
Muốn có chiếc bánh thơm ngon, phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước và xay thành bột. Lá gai phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ, đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn, trộn với bột và mật mía làm vỏ bánh. Hương vị của lá gai quyện vào mùi thơm của gạo nếp với lá chuối khô, tạo nên hương vị rất đặc trưng.
Rượu ngô Na Hang
Thưởng thức rượu ngô Na Hang, bạn có thể cảm nhận được hương thơm vị mát lan tỏa khắp cơ thể. Tuy khá nặng, nhưng rượu ngô khi uống say cũng không gây đau đầu.
Để chưng cất được loại rượu có một không hai này, ngoài nguyên liệu chính là ngô thì chất gây men không thể thiếu là lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 20 loại thảo dược quý có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp, thấp khớp…
|
Rượu ngô Na Hang |
Chỉ cần nhấp nhẹ chén rượu là ta có thể cảm nhận được ngay được tất cả các mùi vị tạo nên nó. Từ cái vị thơm thơm, cay cay của riềng, của lá sả và ớt đến cái vị thanh mát của nhân trần hay vị hăng hăng của vát vẹo, vị ngọt đậm đà của ngô, vị đăng đắng của lá chí ốt,... Uống rượu ngô Na Hang, du khách có thể cảm nhận được sự vất vả, nhọc nhằn và tấm chân tình của những con người nơi đây đã gửi gắm trong từng giọt rượu.
Ngô nếp Soi Lâm
Ngô nếp Soi Lâm bắp nhỏ, bẹ mỏng, lõi nhỏ đặc, ngô luộc lên hạt trong và bóng, ăn rất dẻo mang vị ngọt thanh không khác gì thứ ngô nếp nương của đồng bào vùng cao. Ngô nếp Soi Lâm là ngô nếp ta, ngô giống do bà con tự bảo quản.
|
Ngô nếp Soi Lâm có các hạt vàng đều |
Tương truyền rằng, ngô nếp được trồng ở Soi Lâm từng được chọn làm quà tiến vua. Cho tới bây giờ, ngô nếp Soi Lâm vẫn là món ngon nức tiếng, được lòng thực khách.
Theo: Vietnamnet.vn